Cứ vượt khó khắc có cơ hội?

Thursday,
22/02/2018
0

Sau thời gian dài trầm lắng, nhu cầu nhập khẩu thủy sản ở một số nước đang có dấu hiệu phục hồi. Liệu các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sau khi vượt qua khó khăn sẽ có cơ hội phát triển?


Nhiều tín hiệu khởi sắc

Xuất khẩu thủy sản quý 2/2013 có dấu hiệu khởi sắc do nhu cầu nhập khẩu tôm, cá tra có xu hướng tăng lại khi lượng dự trữ của một số nước nhập khẩu chính đã cạn và nhu cầu mới gia tăng. Tháng 4/2013, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã đạt hơn 511 triệu USD, tăng 2,9% so cùng kỳ năm ngoái; trong đó các mặt hàng chủ lực như tôm tăng 9%, cá tra tăng 1,8%, cá ngừ tăng 10,2%.

Đối với cá tra, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hùng Vương - Dương Ngọc Minh nhận định, nhu cầu cho sản phẩm này trong quý 2 sẽ không thiếu đối với các doanh nghiệp xuất khẩu và giá xuất khẩu có khả năng cải thiện so với quý 1. Agifish - một công ty con của Hùng Vương, trong quý 2 cũng sẽ giao một hợp đồng xuất khẩu 10.000 tấn fillet cá tra, trị giá 36 triệu USD với giá trung bình 3,52 USD/kg cho đối tác Mỹ.

Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá cho hay, hiện tại giá fillet cá tra xuất khẩu trên thị trường có tăng nhẹ, khoảng 3 - 5 cent/kg. Công ty Hùng Cá đã ký hợp đồng có thời hạn giao hàng trong 3 năm (loại không tăng trọng) giá 3,5 - 3,6 USD/kg (FOB), loại có tăng trọng giá 2,5 - 2,6 USD/kg. Do nhà nhập khẩu đặt hàng loại có tăng trọng với số lượng quá lớn nên Công ty không đủ số lượng để giao.

http://www.thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/thuongmai/z300-Thuy-san-Viet-Nam2191-.jpg

Chất lượng thủy sản xuất khẩu luôn là yếu tố quan trọng - Ảnh: Huy Hùng

Đối với tôm, suốt quý 1, nguồn cung khan hiếm nên giá tôm nguyên liệu luôn ở mức cao. Tuy nhiên, từ giữa tháng 4 đến nay, tình hình sản xuất và xuất khẩu khả quan hơn, sản lượng tôm ở một số địa phương có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm ngoái nên một số doanh nghiệp đã trả bớt nợ và bắt đầu ký kết các hợp đồng mới có giá trị cao. Ông Trần Văn Phẩm, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) phấn khởi: "Từ giữa tháng 4 đến nay, các hợp đồng ký mới có giá cao hơn các hợp đồng cũ khoảng 1 - 1,5 USD/kg và giá tăng ở hầu hết các thị trường".

Còn đối với cá ngừ, mặt hàng được xem là cứu cánh của thủy sản Việt Nam trong năm 2012, cũng cho thấy nhiều tín hiệu khả quan, khi đạt gần 207 triệu USD trong 4 tháng đầu năm 2013, tăng 16,5% so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam - Vũ Đình Đáp chia sẻ: "Chất lượng cá ngừ Việt Nam đang giảm mạnh bởi phương pháp câu tay kết hợp ánh sáng đèn, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu. Theo đó, cần nhanh chóng có những nghiên cứu để sao cho chất lượng cá ngừ câu tay không suy giảm quá nhiều. Đồng thời, cần những biện pháp đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà chế biến và người khai thác, tránh lãng phí nguồn lợi, giúp ngành cá ngừ nước ta phát triển bền vững".

Doanh nghiệp vẫn lo ngại

VASEP cho hay, một trong những bước tiến quan trọng của xuất khẩu thủy sản Việt Nam hiện nay chính là các nhà nhập khẩu đánh giá cao về chất lượng nhiều mặt hàng. Các cơ quan thanh tra của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… đều đánh giá tốt việc kiểm soát chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của thủy sản Việt Nam, tương đương các quốc gia sản xuất thủy sản tiên tiến nhất.

Gần đây, tín hiệu tốt cho ngành tôm Việt Nam là số doanh nghiệp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm khi xuất khẩu tôm vào Nhật Bản đã giảm mạnh. Nếu 2 tháng đầu năm 2013 có đến 12 doanh nghiệp xuất khẩu tôm bị cơ quan chức năng Nhật Bản kiểm tra chặt thì trong tháng 4 chỉ có một doanh nghiệp bị đưa vào chế độ này. Đồng thời, mới đây Nhật Bản cũng đã dỡ bỏ quy định kiểm tra Trifluralin đối với 100% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn nhận định, những khó khăn về nguồn nguyên liệu, rào cản thị trường như Ethoxyquin tại Nhật Bản và Hàn Quốc; thuế chống bán phá giá cá tra; thuế chống trợ cấp tôm trên thị trường Mỹ; dịch bệnh EMS trên tôm nuôi... vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong các tháng tới. Do vậy, xuất khẩu thủy sản Việt Nam quý 2 khó phục hồi mạnh, thậm chí giảm nhẹ so cùng kỳ năm ngoái.

"Gần 1 tháng qua, thị trường có khởi sắc, nguồn cung nguyên liệu đã khá hơn quý 1; nhưng trong quý 2 và 3 vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên sản lượng tôm nuôi vẫn còn là ẩn số. Cùng đó là rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu đang gây khó cho mặt hàng tôm và cá tra", ông Phẩm lo ngại.

>> Tổng thư ký VASEP - Trương Đình Hòe nhận định, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong quý 2/2013 có xu hướng duy trì doanh thu xuất khẩu hơn là tăng trưởng, vì vẫn còn nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu và rào cản thị trường.



Theo Thủy Sản Việt Nam

 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: