Tháng 3 vừa qua, thị trường tôm nội địa trải qua nhiều biến động mà nguyên nhân chính được cho là ảnh hưởng của quyết định sơ bộ thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam NK vào Mỹ trong giai đoạn từ 1/2/2012 đến 31/1/2013 (POR8). Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan diễn biến thị trường trong nước cũng như thế giới, một số chuyên gia cho rằng cả DN XK và người nuôi tôm đã bị tác động tâm lý và “thiếu bình tĩnh” trong thời gian qua khiến thị trường tôm nội địa bất ổn và nếu như tình trạng này tiếp tục sẽ không có lợi cho cả người nuôi cũng như nhà chế biến.
Theo thông tin từ Sở NN&PTNT Cà Mau và Sóc Trăng, giá tôm chân trắng và tôm sú nguyên liệu có chiều hướng giảm sút từ đầu tháng 3. Tuy nhiên, tôm chân trắng giảm liên tục và rõ rệt hơn. Cụ thể, tại Cà Mau, ngày 3/3/2014, giá tôm giá tôm sú và tôm chân trắng đều giảm khá mạnh so với cuối tháng 2, trong đó, tôm sú 20con/kg giảm 20.000 đồng/kg, tôm 40 con/kg giảm 15.000 đồng/kg. Tôm chân trắng cũng giảm từ 9.000 - 15.000 đồng/kg tùy cỡ. Đến 27/3/2014, giá tôm chân trắng tiếp tục giảm mạnh hơn nữa với mức giảm từ 16.000 - 26.000 đồng/kg.
Tại Sóc Trăng, giá tôm chân trắng cũng bắt đầu giảm từ đầu tháng 3 tuy nhiên, mức giảm nhẹ hơn so với tại Cà Mau, chỉ từ 2.000 - 7.000 đồng/kg.
Xu hướng giảm giá tôm nguyên liệu đã tác động “không nhỏ” tới tâm lý người nuôi dẫn tới tình trạng thu hoạch tôm ồ ạt khiến sản lượng vượt quá công suất chế biến của các nhà máy và vượt nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp, làm áp lực hàng tồn kho tăng cao.
Trong khi thời điểm hiện nay không phải là mùa tiêu thụ của nhiều thị trường lớn trên thế giới nên nhu cầu khách hàng NK chỉ ở mức trung bình vì vậy, nếu nông dân tiếp tục thu hoạch như hiện nay sẽ dẫn tới nguy cơ giảm giá từ phía nhà NK nước ngoài.
Kết quả sơ bộ POR8 cũng đã phần nào tác động tới tâm lý của các nhà NK nước ngoài. Do mức thuế cao “bất thường” khiến họ thận trọng hơn trong ký kết các đơn hàng với các nhà cung cấp tôm Việt Nam. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả sơ bộ trong khi các DN chế biến đang xúc tiến nộp đơn kiện Bộ Thương mại Mỹ về mức thuế này.
Nguồn cung tôm cho thị trường thế giới chưa có dấu hiệu hồi phục thật sự sau đại dịch EMS trong khi Việt Nam đang là một trong những nước cung cấp tôm quan trọng. Để tránh thiệt hại do tác động tâm lý không đáng có như thời gian vừa qua, về phía người nuôi tôm nên bình tỉnh, theo dõi tình hình thị trường, hạn chế thu hoạch ồ ạt trong thời điểm hiện nay, nhằm giảm áp lực hàng tồn kho lên các nhà máy chế biến, không tạo ra cơ hội cho khách hàng nước ngoài ép giá. Có như vậy giá tôm trong thời gian tới mới ổn định lại và giữ giá ở mức người nuôi tôm vẫn có lợi nhuận.
Đối với các nhà chế biến, giữ giá thu mua tôm nguyên liệu ở mức ổn định hơn sẽ góp phần tạo thêm niềm tin cho người nuôi, tạo sự ổn định lâu dài hơn đối với nguồn cung nguyên liệu trước khi kết quả cuối cùng POR8 được công bố (dự kiến vào tháng 9 tới) và thực sự có tác động.
Theo VASEP