Đảm bảo môi trường thả nuôi tôm sú

Monday,
27/05/2019
0

 Các yếu tố môi trường ao nuôi giữ vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm sú. 

Màu nước và độ trong của nước

Màu nước ao nuôi là yếu tố quan trọng đánh giá chất lượng môi trường sống của tôm. Bên cạnh đó, độ trong của nước cũng phản ánh chất lượng ao nuôi. Cụ thể:

Nếu nước có độ trong quá cao (>50 cm) khi đó ao nuôi sẽ rất nghèo dinh dưỡng, nguồn thức ăn tự nhiên có trong ao sẽ rất thấp và không đủ cung cấp cho tôm. Những ao nuôi như vậy sẽ có độ pH thấp, chất lượng nước không ổn định, rong và tảo đáy phát triển mạnh dẫn đến việc tôm sú giống bị sốc và chậm lớn;

Ngược lại, nếu nước trong ao có độ trong quá thấp do mật độ tảo dày đặc dễ làm cho pH trong ao nuôi tăng cao vào buổi trưa và chiều. Trường hợp này, nếu thả tôm giống sẽ khiến tôm thiếu ôxy do tảo nở hoa.

Theo các chuyên gia, màu nước thích hợp để thả tôm sú giống là màu xanh nõn chuối hoặc màu nâu, với độ trong thích hợp khoảng 30 - 40 cm.

Độ pH

pH trong ao quá cao hoặc quá thấp đều không tốt cho quá trình sinh trưởng của tôm, điều này khiến pH trong máu và cơ tôm bị mất cân bằng khiến tôm sốc. Nhiều nghiên cứu cho thấy, tôm sú giống chết khi pH < 4 và pH > 11, tôm chậm lớn và dễ bị dịch bệnh ở mức pH từ 4 - 7 và từ 9 - 11.

Theo các chuyên gia, pH thích hợp để thả tôm sú giống là từ 7,5 - 8,5 và tốt nhất là 7,8 - 8, đồng thời dao động giữa sáng và chiều không quá 0,5. Nếu pH quá thấp sẽ ảnh hưởng đến quá trình lột xác và cứng vỏ của tôm, ngoài ra còn tăng khả năng gây độc của khí H2S. Nếu pH quá cao, các tế bào ở mang và các mô của tôm sẽ bị phá hủy, tăng khả năng gây độc của NH3 trong môi trường nước.

Độ kiềm

Là một yếu tố rất quan trọng trong việc duy trì hệ đệm sinh thái của ao nuôi, giúp môi trường nước được ổn định, để tôm không bị sốc trong quá trình nuôi. Thông thường, độ kiềm thích hợp trong ao nuôi tôm sú là 80 - 120 mg/l, khi độ kiềm thấp hơn mức này sẽ khiến pH dễ biến động, tôm bị mềm vỏ, ngược lại độ kiềm quá cao sẽ khiến tôm khó lột xác.

Hàm lượng ôxy hòa tan

Tôm rất cần ôxy để sinh trưởng và phát triển, nhất là với tôm sú giống vừa trải qua quá trình vận chuyển sẽ yếu và cần thời gian thích nghi với môi trường sống mới. Nếu thiếu ôxy, tôm sẽ bơi lờ đờ trên mặt nước, thậm chí dạt bờ. Do vậy, tốt nhất người nuôi nên chạy quạt nước trước khi thả tôm khoảng 8 giờ và tắt quạt nước trước khi thả tôm 1 giờ. Thời điểm thả tôm sú giống tốt nhất là lúc ôxy hòa tan trong ao đạt tối thiểu 4mg/l.

Độ mặn

Ngưỡng giới hạn độ mặn của tôm sú là 8 - 20‰, nếu vượt quá ngưỡng này tôm sẽ bị sốc và giảm khả năng kháng bệnh. Ở những vùng có độ mặn cao (> 25‰), người nuôi cần chủ động bổ sung nước ngọt vào ao để có độ mặn phù hợp trước khi thả, nếu không thể chủ động được nguồn nước, nên thả tôm giống vào thời điểm bắt đầu mùa mưa.

Khí độc

NH3, NO2 đều là những khí độc rất nguy hiểm đối với tôm nuôi. Chúng được xem là những “sát thủ thầm lặng” có thể khiến tôm chết hàng loạt bất cứ lúc nào mà không báo trước. Vậy nên, trước khi thả giống , cần đo hàm lượng khí độc trong ao nuôi và chỉ thả khi H2S < 0,001 mg/l và NH3 < 0,1mg/l. Đồng thời, trong suốt vụ nuôi, nên sử dụng chế phẩm sinh học để kiểm soát khí độc. Cùng với đó, kết hợp bổ sung Vitamin C để tôm tăng sức đề kháng.

Nhiệt độ

Theo các chuyên gia, nhiệt độ thích hợp cho nuôi tôm sú là 28 - 320C và chỉ thả giống khi nhiệt độ < 300C, vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Khả năng bắt mồi của tôm sú chịu ảnh hưởng rất lớn từ nhiệt độ. Bên cạnh đó, khi nhiệt độ trong ao nuôi thay đổi đột ngột tôm sẽ bị sốc, rối loạn hô hấp, rối loạn trao đổi chất… Từ đó dễ dẫn đến nhiều bệnh như: đục cơ, cong thân, và nhiều bệnh nguy hiểm khác.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam

 

 

 

 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: