Dù trải qua nhiều thăng trầm, cây dừa vẫn được đánh giá là một loại cây công nghiệp bền vững và đem đến nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân tỉnh Bến Tre từ bao đời nay. Thế nhưng, vì sức hút lợi nhuận từ con tôm quá lớn, hàng trăm ha dừa đã bị chặt bỏ không thương tiếc để nhường đất cho con tôm. Làm cách nào để có thể đưa con tôm ra khỏi vùng ngọt hóa?
Bà Phạm Thị Duyên mong vụ tôm đầu tiên trúng để trả nợ nần
Hệ quả khôn lường
Hiện nay, giá dừa ở tỉnh Bến Tre đang dao động ở mức cao. Theo ông Cao Văn Viết, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, dừa tươi nguyên liệu hiện có giá gần 100.000 đồng/chục. Đó là tín hiệu đáng mừng của người trồng dừa. Thế nhưng, so với nuôi tôm thì lợi nhuận thu được từ trồng dừa vẫn còn thấp. Bởi vậy mà nhiều hộ dân vẫn thuê máy chặt hạ vườn dừa không thương tiếc để lấy chỗ nuôi tôm.
Bà Phạm Thị Duyên ngụ tại ấp Giồng Bông, xã Thới Lai, huyện Bình Đại, cho chúng tôi biết, bà vừa cho đào một ao nuôi tôm thẻ chân trắng (có diện tích 1.000 m2). “Cầu trời cho con tôm khỏe mạnh, trúng được vụ này là coi như nợ nần trả được hết”, bà Duyên cho biết.
Theo tính toán của bà Duyên, với 1.000 m2 trồng được 25 cây dừa. Mỗi tháng, 25 cây dừa này cho thu nhập hơn 2 triệu đồng. Bao nhiêu năm qua, cây dừa vẫn cho trái đều đặn nhưng cuộc sống gia đình bà cứ bấp bênh theo giá thu mua của thương lái. “Đây là vụ tôm đầu tiên và chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến ngày thu hoạch. Tôi biết làm vậy là sai quy định, nhưng thấy người ta nuôi tôm trúng lớn nên các con bàn với tôi chuyển qua nuôi tôm, với hy vọng kinh tế gia đình sẽ khấm khá hơn”, bà Duyên nói.
Bà Duyên phải đi vay mượn hơn 40 triệu đồng để khoan giếng lấy nước mặn, đào ao và mua sắm những thiết bị khác phục vụ việc nuôi tôm. Riêng thức ăn cho tôm, con giống, bà mua chịu của các đại lý. Khi chúng tôi hỏi đến chuyện nguồn gốc con giống, cách phòng chống, điều trị bệnh tật cho tôm... , bà Duyên thật thà nói: “Gia đình tôi chưa nuôi tôm bao giờ nên chưa có kinh nghiệm chọn con giống. Nghe mấy chủ đại lý bán con giống nói, giống tôm của họ tốt thì mình mua thôi”.
Là người có nhiều năm gắn bó với ngành nông nghiệp, ông Lê Văn La, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bình Đại, cho biết: “Chúng tôi đã tuyên truyền, cảnh báo bà con về những hệ quả xấu từ việc nuôi tôm trong vùng ngọt hóa. Có trường hợp chỉ nuôi được vài vụ đầu, những vụ sau không có hiệu quả. Thực tế cho thấy, đa số các ao nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch mấy tháng đầu năm cho thu nhập khá; nhưng trong những tháng cuối năm, tôm chết rất nhiều. Tôi thấy không bền vững là ở chỗ đó. Đến khi nuôi tôm thua lỗ, họ không thể trồng lại được hoa màu vì đất, nước khi đó đã nhiễm mặn. Cây dừa từng nuôi sống họ nhiều năm nay cũng không sống nổi. Con tôm không mang đến cho người dân sự giàu có bền vững; thậm chí nó có thể làm cho họ nghèo đi”.
Giải pháp cho sự xung đột
Việc đào ao nuôi tôm trong vùng sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh ĐBSCL đang rộ lên với tốc độ lây lan nhanh như một căn bệnh truyền nhiễm. Đây không phải là câu chuyện mới mà đã diễn ra nhiều năm nay. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương chưa có biện pháp nào xử lý.
Theo lý giải của huyện ủy Bình Đại, nguyên nhân là do huyện chưa hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi để đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt cho khu vực được quy hoạch ngọt hóa. Công tác vận động, tuyên truyền, khuyến cáo cho nông dân chưa được cấp ủy, chính quyền quan tâm đúng mức và chế tài xử lý người vi phạm chưa đủ sức giáo dục, răn đe. Công tác phối hợp giữa các ngành chức năng, chính quyền địa phương chưa đồng bộ, kịp thời, còn có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền, còn trông chờ cấp trên. Thậm chí, một số cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu mà vẫn tiến hành nuôi tôm trong vùng quy hoạch ngọt hóa.
Ông Cao Văn Viết, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết: “Những vùng ngọt hóa cục bộ là phải chấm dứt việc đào ao nuôi tôm. Chúng tôi sẽ cho người dân nuôi đến hết vụ năm nay và sau đó phải ngưng nuôi và tiến hành lấp giếng khoan mặn. Trước mắt, chúng tôi sẽ làm triệt để ở vùng ngọt hóa đã khép kín. Còn vùng chưa khép kín thì tạo điều kiện nuôi trong lúc nước mặn lên và khuyến cáo người dân không được đào giếng lấy nước mặn lên để nuôi tôm”.
Nhiều ý kiến cho rằng, để chấm dứt tình trạng ồ ạt đào ao nuôi tôm nước lợ, cơ quan chức năng phải nghiên cứu, đưa ra các giống tôm, cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao để hỗ trợ, cung cấp con giống cho người dân khi họ không được phép nuôi tôm nước mặn.
Báo Tin Tức