Dấu hiệu phục hồi của ngành tôm xuất khẩu Việt Nam

Thursday,
22/02/2018
0

Tại hội nghị toàn thể của Vasep tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh ngày 12/6, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, trong giai đoạn các thị trường xuất khẩu đang dần phục hồi trở lại, sản phẩm tốt nhất để phát triển là tôm nước lợ vì đã kiểm soát được dịch bệnh, giá bán ở các thị trường.

 


Tập đoàn thủy sản Minh Phú chuyên chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), hiện nay ngành tôm xuất khẩu Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn với hai vụ kiện tại Mỹ là vụ kiện chống bán phá giá và mới đây là vụ kiện chống trợ cấp, ngành tôm Việt Nam hiện vẫn còn nhiều khó khăn nội tại, thị trường thu hẹp...

Ngổn ngang những khó khăn

Khác với những năm trước là thiếu hụt nghiêm trọng nguyên liệu, khó khăn lớn nhất trong xuất khẩu tôm hiện nay là áp lực của rào cản chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC).

Kết quả sơ bộ thuế chống trợ cấp mà DOC mới thông báo đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, chiến lược và lợi ích kinh doanh của doanh nghiệp tôm Việt Nam. Ngoài ra, rào cản Ethoxyquin tại Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục chi phối xuất khẩu sang hai thị trường này.

Riêng với Hàn Quốc trong năm tháng đầu năm 2013 xuất khẩu tôm sang thị trường này đã giảm mạnh nhất trong nhóm 10 thị trường nhập khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam, giá trị đạt 47,4 triệu USD, giảm 24,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài các khó khăn về thị trường và các rào cản kỹ thuật, ông Nguyễn Hải Triều, Giám đốc Công ty thủy sản Gió Mới cho biết, khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay là thiếu công nhân lành nghề, chất lượng công nhân ngày càng kém. Hiện nay thu nhập của công nhân ngành sản xuất tôm so với các ngành khác ở mức khá, nhưng do điều kiện làm việc, tính kỷ luật cao nên không thu hút lao động. Đây là vấn đề nan giải bởi với các nước phát triển, người lao động ở trong môi trường này có nhiều lợi ích khác như được quyền vay tiền, mua nhà trả góp… còn ở Việt Nam chưa có sự khác biệt nào ngoài thu nhập nhỉnh hơn chút xíu, chưa đủ để lôi kéo lao động.

Đặc biệt ông Triều nhấn mạnh, vấn đề chi phí đầu vào ở Việt Nam tăng lên hàng năm và đã tăng rồi lại không giảm, làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam so với các nước khác.

Dấu hiệu phục hồi

Theo khảo sát của Vasep tại một số tỉnh nuôi tôm chính là Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ, vụ tôm năm nay người nuôi đã thả muộn và với mật độ thưa hơn so với năm ngoái, do đó tỷ lệ tôm chết đã giảm hẳn.

Đặc biệt, ngày 26/2/2013, Tổng cục Thủy sản đã công bố nguyên nhân gây bệnh trên tôm và vi khuẩn Vibrio và phage (là thể thực khuẩn, một loại vi rút chuyên tấn công vi khuẩn, sống ký sinh vào cơ thể vi khuẩn và cuối cùng làm tan rã vi khuẩn), gây chết và hội chứng hoại tử gan tụ ở tôm nuôi. Từ đó, các ngành chức năng đã đưa ra được các giải pháp ngăn chặn các dịch bệnh này.

Trong năm tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 2,28 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên mặt hàng tôm, xuất khẩu trong tháng Tư và tháng Năm đã có xu hướng tăng trở lại (7%-9%) do nguồn tôm nguyên liệu đã phục hồi vì vào vụ thu hoạch. Nhờ đó, trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản năm tháng mặt hàng tôm chiếm tỷ trọng cao nhất là 37%, đạt trên 830 triệu USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2012.

Một tín hiệu nữa cho thấy, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản tăng trưởng trở lại sau hơn một năm sụt giảm do ảnh hưởng của quy định kiểm tra chất chống oxy hóa Ethoxiquin được sử dụng trong sản xuất thức ăn nuôi tôm.

Mới đây, Nhật Bản đã nâng mức kiểm tra dư lượng Trifluralin trong tôm nhập từ Việt Nam từ mức 0,001 ppm lên mức 0,5 ppm đã giúp các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam thấy “dễ thở” hơn trong bối cảnh quá nhiều rào cản và khó khăn sang thị trường này. Nhờ đó, năm tháng đầu năm nay xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đã tăng 3,6%, tuy mức tăng còn khá khiêm tốn nhưng cho thấy dấu hiệu khả quan trong xuất khẩu tôm sang Nhật.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tôm cho biết, việc cần thiết lúc này là làm sao có thể kiểm soát được vùng nuôi, từ đó mới tránh được những rủi ro từ hàng rào kỹ thuật của các thị trường. Đồng thời cần có các chính sách tốt để người nuôi tôm cũng như doanh nghiệp, công nhân yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Ông Võ Quang Huy, Phó Chủ tịch Hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) cho cho rằng, bên cạnh những nỗ lực của doanh nghiệp, người nuôi tôm, hơn lúc nào hết, lúc này ngành tôm rất cần sự quan tâm đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước với các chính sách tốt nhằm tạo ra động lực cho các doanh nghiệp, tập trung giải quyết, quan tâm đến kiểm soát vùng nuôi, nhất là là vấn đề chất lượng con giống và vật tư đầu vào… để cả nông dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất.


TTXVN

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: