Năm 2014, các tỉnh ĐBSCL phấn đấu đưa giá trị tôm xuất khẩu, chủ yếu là tôm sú lên 2,55 tỷ USD, tăng 50 triệu USD so với năm 2013. Trong đó, tỉnh Cà Mau dẫn đầu toàn vùng với chỉ tiêu xuất khẩu 1,1 tỷ USD.
Để hoàn thành kế hoạch trên, các tỉnh ĐBSCL sẽ đưa 596.000 ha diện tích mặt nước vào nuôi tôm, trong đó 580.000 ha nuôi tôm sú. Diện tích còn lại nuôi tôm chân trắng (TTCT), tôm càng xanh. Tập trung tại một số tỉnh trọng điểm, gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh với diện tích 478.000 ha, phấn đấu sản lượng 381.000 tấn, trong đó tôm sú đạt khoảng 300.000 tấn, TTCT khoảng 78.000 tấn.
ĐBSCL sẽ đưa 580.000 ha diện tích mặt nước vào nuôi tôm sú - Ảnh: Trần Út
Để hạn chế tình trạng dịch bệnh trên tôm, các địa phương đang tích cực củng cố hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản, tăng cường kiểm soát chất thải, siết chặt việc quản lý, kiểm soát con giống và hạn chế việc nhập tôm giống kém chất lượng vào nuôi, chuyển một phần diện tích nuôi công nghiệp sang nuôi theo hình thức bán thâm canh hoặc thâm canh cải tiến tại những địa phương nuôi tập trung nhưng không đủ nguồn nước sạch. Đồng thời, phổ biến rộng rãi đến người nuôi biện pháp không sử dụng hóa chất cấm diệt cá tạp hoặc chất có nguồn gốc là thuốc bảo vệ thực vật để xử lý môi trường nước; tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc thú y thủy sản, thức ăn, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi thủy sản.
Được biết năm 2013, ĐBSCL đã đưa trên 588.000 ha diện tích mặt nước vào nuôi tôm, sản lượng toàn vùng đạt gần 380.000 tấn, chiếm 92% diện tích và 79,8% sản lượng tôm nuôi cả nước; đạt kim ngạch xuất khẩu 2,5 tỷ USD. Riêng 2 tháng đầu năm 2014, toàn vùng xuất khẩu tôm đạt giá trị 433 triệu USD.
Theo quy hoạch của Bộ NN&PTNT đến năm 2015, các tỉnh ĐBSCL sẽ đưa 546.000 ha mặt nước vào nuôi tôm sú, giảm 768 ha so với năm 2010 nhưng sản lượng sẽ đạt 463.000 tấn, tăng 77.000 tấn so cùng thời điểm, 80% sản lượng sẽ được xuất khẩu với giá trị hàng năm ít nhất là 1,5 tỷ USD.
Thủy sản Việt Nam