Ngày 15/11 tại TP. Cần Thơ, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và Chương trình Quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICMP-GIZ) tổ chức Đối thoại bàn tròn “Làm thế nào để nâng cao lợi thế canh tranh cho ngành tôm Việt Nam”.
Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng Thủy sản, cho biết: Trên thị trường hiện có khoảng 2.800 loại thức ăn thủy sản, 3.800 sản phẩm thức ăn bổ sung và 2.600 sản phẩm xử lý môi trường… Quá nhiều loại làm khó khăn cho người nuôi và nhà quản lý. Cùng đó, mỗi năm nước ta nhập khoảng 190.000 - 200.000 con tôm giống bố mẹ chân trắng, giống tôm sú bố mẹ nhu cầu trong nước cần 30.000 tỷ con/năm.
Một nghịch lý hiện vẫn xảy ra và dường như chỉ có ở Việt Nam đó là tình trạng giá thành tôm nuôi luôn rất cao so với các nước cạnh tranh chính như Ấn Độ, Thái Lan… Giá bán cao nhưng người nuôi lại khó giàu, vẫn hứng chịu nhiều rủi ro. Và cũng chính vì giá thành cao, giá bán thấp nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh tôm của Việt Nam giảm.
Ông Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết: Đầu vào nuôi tôm hiện nay như giống, thức ăn, chế phẩm sinh học đang được nhiều người quan tâm. Bất cập hiện nay là việc sản xuất tôm giống ở ĐBSCL với số lượng lớn nhưng kém chất lượng tràn lan trên thị trường, làm khó khăn cho ngành quản lý. Đa phần giống tôm sú bố mẹ dựa vào đánh bắt ngoài tự nhiên, còn tôm thẻ chân trắng giống phụ thuộc vào nhập khẩu. Để trong sạch hóa, cần biện pháp tổng hợp và mạnh tay hơn nữa trong quản lý.
Một số đại biểu khác cũng cho rằng, đến lúc cần phải phát huy lợi thế của ngành tôm Việt Nam thông qua việc minh bạch hóa đầu vào sản xuất và tăng cường việc thực thi các biện pháp để nâng cao chất lượng giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản là điều kiện tiên quyết để đưa ngành tôm hướng đến phát triển bền vững hơn và khẳng định lợi thế của tôm Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Thủy sản Việt Nam