ĐBSCL: Nuôi tôm nước lợ trong điều kiện hạn - mặn

Wednesday,
21/02/2018
0

Tình hình hạn - mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nuôi trồng thủy sản các tỉnh ĐBSCL; hoạt động sản xuất của người dân cũng chịu tác động lớn. Tìm ra giải pháp phòng, chống và hạn chế tác hại của thời tiết hạn hán, xâm nhập mặn đến sản xuất thủy sản nói chung và nuôi tôm nước lợ nói riêng là hết sức cần thiết.


Lao đao vì hạn, mặn

Theo Tổng cục Thủy sản, diện tích thả nuôi tôm các tính ĐBSCL đến 13/5/2016 đạt 546.774 ha (bằng 101% so cùng kỳ), chủ yếu là diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm - lúa. Sản lượng thu hoạch 90.948 tấn, bằng 93,6% so cùng kỳ. Tình hình sản xuất tôm nước lợ 4 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tôm giống trên thị trường giảm; đến 15/5/2016, tổng số tôm giống nước lợ sản xuất là 37,4 tỷ con (trong đó, tôm thẻ chân trắng 27,8 tỷ con và tôm sú 9,6 tỷ con), giảm 20,2% so cùng kỳ năm 2015. Các tỉnh ĐBSCL chỉ chủ động được khoảng 40% con giống, còn lại phải nhập từ các tỉnh miền Trung.

Đối với tình hình nuôi tôm nước lợ thương phẩm, do điều kiện môi trường, thời tiết xấu đã tác động làm các diện tích nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh bị thiệt hại tăng. Thống kê sơ bộ tại 8 tỉnh ven biển ĐBSCL đến 17/5/2016 đã có 81.413 ha tôm nuôi bị thiệt hại (chiếm 14,89% so diện tích thả nuôi), chủ yếu ở vùng nuôi tôm quảng cảnh cải tiến, tôm - lúa, trong đó thiệt hại nặng nhất là tỉnh Cà Mau.

Trước thực trạng trên, thời gian qua các cơ quan từ Trung ương đến địa phương cũng đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp ứng phó. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh: “Đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ hiện tượng El Nino là người dân nuôi tôm theo hình thức quảng canh, tôm - lúa, do vậy cần tăng cường công tác giám sát, hỗ trợ kịp thời giúp họ ổn định cuộc sống”. Thời gian qua, Tổng cục Thủy sản đã tăng cường hoạt động quản lý đối với nuôi tôm nước lợ, phổ biến lịch thời vụ và các biện pháp kỹ thuật ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn đến người dân nuôi tôm.

Tăng cường quan trắc môi trường là cần thiết - Ảnh: Trần Út
 

Ngoài ra, công tác quan trắc môi trường và phòng trừ dịch bệnh trên tôm nuôi cũng được tích cực triển khai tại các địa phương. Theo đó, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II đang thực hiện quan trắc môi trường và giám sát vùng nuôi tôm tại 2 vùng sinh thái là: vùng nuôi tôm - lúa (Hồng Dân, Bạc Liêu) và vùng nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh (Bình Đại, Bến Tre). Mặt khác, công tác quản lý vật tư đầu vào (tôm giống, thức ăn, thuốc thủy sản, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường…) cũng đã được ngành, cơ quan, đơn vị chức năng từ trung ương đến địa phương quan tâm và tổ chức thực hiện quyết liệt.

 

Khẩn trương vào cuộc

Tại Hội nghị giao ban nuôi tôm nước lợ tại Bạc Liêu ngày 19/5/2016, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám lưu ý, sau hiện tượng El Nino thời gian tới sẽ là hiện tượng La Nina; do đó, đề nghị các đơn vị thuộc Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y và các đơn vị liên quan cần có những dự báo kịp thời để giúp người dân chủ động hơn trong sản xuất.

Nhằm giúp nông dân sớm khôi phục sản xuất, trước mắt khẩn trương thống kê thiệt hại, đề xuất giải pháp hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn. Trong thời gian tới, cần tiếp tục quản lý vật tư đầu vào, chất lượng sản phẩm đáp ứng điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; đây là vấn đề mà Bạc Liêu đã thực hiện khá tốt trong những năm qua. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu Phan Thị Thu Oanh cho biết, ngay từ đầu năm 2016, đơn vị đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch quản lý các yếu tố đầu vào như: tôm bố mẹ, tôm giống xuất nhập tỉnh, thức ăn, thuốc thủy sản… phục vụ sản xuất; đồng thời, thường xuyên kiểm tra các cơ sở, nhà máy chế biến thủy sản đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Hiện, địa phương đang khuyến khích, hỗ trợ người dân sản xuất nuôi thủy sản theo hình thức liên kết chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm. Theo đó, đã hình thành hai tổ hợp tác nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp với diện tích khoảng 285 ha/169 hộ.

Về hoạt động quan trắc môi trường, ông Trần Đình Luân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng chia sẻ, tỉnh đã tổ chức hoạt động quan trắc môi trường trong nuôi thủy sản ngay từ đầu năm 2016 tại một số vùng nuôi tôm trọng điểm; kết quả quan trắc được thông tin kịp thời tạo thuận lợi cho công tác chỉ đạo sản xuất và cảnh báo đến người nuôi.

Khuyến khích, nhân rộng các mô hình nuôi tôm tiên tiến, có khả năng thích ứng với điều kiện hạn hán, biến đổi khí hậu; tiếp tục nghiên cứu sản xuất và lai tạo các giống thủy sản thích ứng với điều kiện độ mặn cao, nuôi đạt hiệu quả là những giải pháp được đặt ra hiện nay. Ông Lê Anh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh khẳng định tính hiệu quả của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh bằng công nghệ Biofloc với hai giai đoạn. Qua 3 tháng nuôi tôm đạt cỡ thu hoạch 35 - 50 con/kg; năng suất cao, trung bình 150 - 200 tấn/ha/năm; hệ số thức ăn 0,85 - 1.

Đại diện Cục Thú y cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân nuôi tôm quy trình an toàn dịch bệnh, phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong quá trình sản xuất; hoàn thiện hệ thống thủy lợi đảm bảo phục vụ nuôi trồng thủy sản trong điều kiện hạn - mặn.

>> Ông Hồ Minh Phú, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Bạc Liêu: Người nuôi tôm cần tuân thủ các khuyến cáo kỹ thuật, áp dụng các biện pháp che chắn để ổn định môi trường nước cho tôm nuôi phát triển tốt. Đồng thời, áp dụng phương pháp nuôi tôm an toàn sinh học, hạn chế sử dụng các chất cấm trong quá trình nuôi, nâng cao chất lượng tôm nguyên liệu khi thu hoạch…



Thủy sản Việt Nam
 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: