ĐBSCL: Tìm hướng mới cho ngành tôm

Wednesday,
21/02/2018
0

Mỗi năm, con tôm mang về cho đất nước hơn 3 tỷ USD, là mặt hàng mũi nhọn của ngành thủy sản Việt Nam. Không chỉ góp phần gia tăng ngoại tệ, mà ngành này còn tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động. Thúc đấy phát triển đối tượng này luôn là mục tiêu quan trọng.

Phát triển bền vững

Nghề nuôi tôm nước lợ Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển ngành thủy sản, góp phần phát triển ngành nông nghiệp nói riêng, nền kinh tế đất nước nói chung. Con tôm cũng mang lại nguồn thu và lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp và cũng là sinh kế của hàng triệu người tham gia vào chuỗi giá trị tôm, đặc biệt là tại khu vực ĐBSCL.Biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt là một trong những khó khăn, thách thức lớn nhất đối với ngành nuôi trồng thủy sản hiện nay. Đặc biệt, trong năm 2016, ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nề của hạn, mặn; tính riêng Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng đã có trên 82.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại. Nhiều vùng sản xuất tôm - lúa bị chậm thời vụ; các vùng không có hệ thống thủy lợi chủ động phải tạm ngừng xuống giống. Ngoài ra, ngành tôm còn đối mặt tình trạng nguồn giống bị lệ thuộc, lạm dụng thuốc, hóa chất. Sự thiếu liên kết, hợp tác và thiếu thông tin thị trường đòi hỏi ngành chức năng cần có các giải pháp, định hướng kịp thời để ngành tôm Việt Nam phát triển bền vững thời gian tới.

 

Liên kết, hợp tác để phát triển bền vững ngành tôm - Ảnh: Trần Út
 

Một trong những định hướng được ngành nuôi trồng thủy sản đề ra nhằm đưa ngành tôm phát triển bền vững là tái cơ cấu thủy sản bằng việc tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác và liên kết chuỗi giá trị cùng với phát triển thị trường. Trong đó, các giải pháp thực hiện là ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất, kể cả nâng cao chất lượng giống và phát triển các công nghệ, giải pháp kỹ thuật nuôi hiệu quả. Ngoài ra, phát triển thị trường nhằm xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận có uy tín gắn với các chương trình quảng bá sản phẩm. Đồng thời, triển khai các mô hình nuôi tôm phù hợp sinh thái của vùng, đặc biệt là vùng ĐBSCL, đang có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước; Tăng cường sự liên kết, nâng cao chuỗi giá trị tôm Việt Nam.

 

Đặt tiêu chuẩn

Ông Cherdsak Virapat, Tổng Giám đốc Mạng lưới Trung tâm NTTS châu Á - Thái Bình Dương (NACA) thông tin: Trong hai thập kỷ qua, sản lượng tôm trên thế giới tăng 5,5 lần, giá trị tăng gần 5 lần. Đến năm 2015, tổng sản lượng tôm thế giới đã đạt 2,045 triệu tấn. Tập trung ở 5 nước: Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam, các nước này chiếm khoảng 90 % sản lượng tôm thế giới. Trong đó, đáng chú ý một số nước có sản lượng tôm bị sụt giảm nghiêm trọng: Ấn Độ (-10%); Trung Quốc (-13%), nặng nhất là Việt Nam (-30%).

Từ nhưng điểm yếu của nuôi tôm ở vùng châu Á - Thái Bình Dương như: Kiểm soát tại trại nuôi, quản lý nuôi, kỹ thuật còn hạn chế; Thiếu các dự án quản lý dựa trên cộng đồng thị trường; Thiếu hợp tác, nghiên cứu đầu tư khoa học; Tiếp cận dịch vụ tài chính khó khăn; Hỗ trợ tài chính từ các nhà tài chợ và khu vực tư nhân còn thấp…; ông Cherdsak Virapat cho rằng, thách thức lớn nhất của con tôm là dịch bệnh. Tiếp đến các vấn đề chất lượng con giống, tác động của biến đổi khí hậu, quản lý lỏng lẻo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững của con tôm.

Đưa gải pháp để khắc phục tình trạng xuất khẩu tôm gặp nhiều khó khăn gần đây, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết: Nhà nước cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho người dân nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP…; Trong khi, các đối tác nhập khẩu không yêu cầu phải đạt tiêu chuẩn này mà họ buộc mình phải theo tiêu chuẩn chung. Ngay cả các cơ sở nuôi tôm cũng phải định hướng phát triển theo hướng này, thì sản phẩm của ta đáp ứng thêm được một yêu cầu nữa là đạt 3 sao. Vấn đề còn lại nằm ở chế biến và xuất khẩu. “Hiện nay có nhiều đơn vị chế biến làm ăn gian dối, mang hàng không đạt chất lượng, gây tai tiếng, ảnh hưởng đến những công ty làm ăn chân chính. Tôi kiến nghị, chỉ cấp phép hoạt động cho những nhà máy chế biến cam kết đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu, như vậy sản phẩm tôm Việt mới đạt 4 sao, thừa sức cạnh tranh trên thị trường thế giới”, ông Lê Văn Quang nói.

Đề cập đến vấn đề giải pháp khắc phục, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh: Chúng ta phải áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để tạo đột phá cho ngành tôm trong nước. Hiện nay, vẫn đang phải nhập tôm bố mẹ, vậy tại sao chúng ta không tự tạo đột phá tìm ra những nguồn giống chất lượng. Các quy trình nuôi, thức ăn cũng phải áp dụng công nghệ để tạo ra sản phẩm tôm sạch và thân thiện môi trường.

Cùng đó, nhiều ý kiến cho rằng, để khơi dậy và phát huy tiềm năng thế mạnh vùng ĐBSCL, cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch các đối tượng nuôi chủ lực gắn với hạ tầng thủy lợi; tăng cường hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường; cơ cấu lại đối tượng nuôi, mùa vụ sản xuất, áp dụng phương thức, hình thức nuôi phù hợp; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với thị trường…

>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: Việc tìm những mô hình phù hợp với điều kiện đang thay đổi của từng vùng miền phải được quan tâm, đáp ứng nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi rất quan trọng, giúp kiểm soát an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất được nguồn ngốc và đặc biệt là nâng cao chuỗi giá trị con tôm Việt Nam.



Theo Thủy sản Việt Nam



 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: