ĐBSCL: Tôm có giá, vẫn thả cầm chừng

Thursday,
08/02/2018
0

Đã sắp hết vụ nuôi tôm đợt 1/2013, nhưng đến nay diện tích thả nuôi ở các tỉnh trọng điểm tôm ĐBSCL (Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng) vẫn chưa hoàn thành kế hoạch.


Tỉnh Bạc liêu có diện tích nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp 10.007 ha, đến nay đã thả nuôi tôm sú 7.876 ha, tôm thẻ chân trắng 2.131 ha; tổng diện tích nuôi mới đạt 84% kế hoạch (năm 2012 thời điểm này đã thả nuôi hơn 92%). Ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bạc Liêu cho biết, lịch thời vụ đối với tôm sú chỉ còn gần 10 ngày, riêng tôm thẻ chân trắng thì đến hết tháng 9.

Tỉnh Sóc Trăng chưa có thống kê chính thức diện tích tôm nuôi, nhưng ở vùng trọng điểm nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp huyện Trần Đề, diện tích "treo ao" do thiếu vốn thả nuôi còn nhiều. Ông Giang Đại Hòa, (ấp Chợ, xã Trung Bình, thị trấn Trấn Đề) có 3 ao nuôi, diện tích 1,5 ha, do không vay được vốn ngân hàng nên phải nuôi tôm sú gối đầu; 1 ao sắp thu hoạch, 2 ao còn lại mới thả được 2 và 1 tháng. Ông Ca Minh Chí (cùng ấp Chợ) có 8 ao, diện tích 4,5 ha, cũng chỉ dám thả nuôi 4 ao, còn lại phải chờ thu hoạch để thu hồi vốn mới tính chuyện thả tiếp.

Ảnh: Phan Thanh Cường
 

Theo các hộ dân Sóc Trăng, không tiếp cận được vốn ngân hàng là do từ đầu năm đến nay Bảo Việt Sóc Trăng không bán hồ sơ bảo hiểm tôm cho dân. Trong khi ngân hàng chỉ phát vay nuôi tôm cho những hộ được bảo hiểm, sự trông chờ lẫn nhau dẫn đến vốn dành cho phát triển nuôi trồng thủy sản đang ứ ở ngân hàng nhưng không phá vay cho hộ dân được.

Tương tự, tại tỉnh Bạc Liêu, do không được bảo hiểm và khó tiếp cận vốn ngân hàng nên nhóm nuôi tôm của ông Phạm Trúc Điệp (phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu) phải "treo ao" từ đầu năm.

Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết: 6 tháng đầu năm 2013, toàn hệ thống cho vay nuôi trồng thủy sản được 172,409 tỷ đồng, tổng dư nợ nuôi trồng thủy sản đến 31/6/2013 đạt 1.272 tỷ đồng, so với dư nợ ngày 31/12/2012, chỉ tăng 3,83%. Nếu trừ dư nợ nuôi cá tra 5 tỷ đồng thì dư nợ nuôi thủy sản chủ yếu là tôm chỉ được 1.248 tỷ đồng, tăng 3,48% so với cuối năm 2012.

Bức tranh dư nợ cho vay nuôi thủy sản cho thấy người nuôi tiếp tục gặp khó, trong khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trương giảm lãi suất, tăng vốn cho nông nghiệp, nông thôn và nuôi trồng thủy sản (NTTS). Ngày 5/7/2013, tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lúa gạo và thủy sản ĐBSCL, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã nói: Hoạt động nuôi trồng và chế biến có kế hoạch tốt, ngân hàng sẽ đáp ứng đủ vốn để sản xuất phát triển; trong đó hoạt động bảo hiểm sẽ được đẩy mạnh, những sản phẩm quan trọng, đảm bảo được đầu ra sẽ được xem xét cấp bảo lãnh tín dụng… Song đến nay vẫn chưa biết bao giờ các địa phương mới thực hiện như vậy, trong khi dân vẫn chạy quanh tìm vốn, cung - cầu luôn mất cân đối. Nhiều doanh nghiệp chế biến tôm vẫn phải nhập nguyên liệu để chế biến, khiến cán cân thanh toán ngoại tệ mất cân đối, còn số đông người nuôi tôm vẫn "treo ao".

>> Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Bạc Liêu - Phạm Hoàng Giang: Giá tôm hiện nay tốt nhưng vẫn không đủ phục vụ chế biến xuất khẩu. Đó là do người nuôi gặp khó khăn từ các vụ trước, nay chưa hồi phục, lại thiếu vốn nên thả nuôi cầm chừng.
 

Theo Thủy sản Việt Nam
 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: