ĐBSCL: Tôm được giá vẫn “treo” ao

Thursday,
08/02/2018
0

Tôm đang có giá bán tốt, nhưng do thiếu vốn, nông dân các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đành phải thả nuôi cầm chừng, nhiều hộ thậm chí phải “treo” ao.


Giá cao vẫn “treo” ao

Theo ghi nhận từ vùng ĐBSCL, tôm tại khu vực này đang được thương lái thu mua với giá khá cao. Cụ thể, tôm sú 30 con/kg, có giá bán từ 190.000 – 195.000 đồng/kg, tăng 10 - 15%; tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg, bán được 85.000 – 90.000 đ/kg, tăng hơn 10% so với cùng kỳ.

Ông Phạm Hoàng Giang, Chi Cục trưởng Chi Cục nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu cho biết, giá tốt là vậy, nhưng vẫn không đủ hàng để bán cho các nhà máy phục vụ chế biến xuất khẩu.

Theo ông Giang, nguyên nhân là do người nuôi gặp khó khăn từ vụ thả nuôi năm trước, nay chưa hồi phục, lại thiếu vốn nên thả nuôi cầm chừng, nên ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng, dẫn đến mất cân đối cung – cầu.

Bao giờ bà con vùng ĐBSCL có vốn để nuôi trồng thủy sản vẫn là câu hỏi để ngỏ?
 

Theo Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL, dù đã sắp kết thúc vụ nuôi tôm đợt 1 của năm 2013 nhưng đến nay diện tích thả nuôi khu vực trọng điểm trong vùng bao gồm Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng… vẫn chưa hoàn thành kế hoạch.

Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh có diện tích nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp đạt hơn 11.900 ha, nay đã thả nuôi được hơn 10.000 ha. Trong đó, tôm sú thả được 7.876 ha, tôm thẻ chân trắng thả được 2.131 ha, mới đạt 84% kế hoạch (cùng kỳ năm trước ở thời điểm này đã thả nuôi trên 92%).

Trong khi đó, tỉnh Sóc Trăng tuy chưa có số liệu thống kê chính thức về diện tích tôm nuôi, nhưng ở vùng trọng điểm nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp của huyện Trần Đề, diện tích “treo” ao do thiếu vốn thả nuôi còn khá nhiều.

Ông Hòa, ấp Chợ, xã Trung Bình, thị trấn Trấn Đề, huyện Trần Đê, có 3 ao nuôi, diện tích 1,5 ha, do không vay được vốn ngân hàng nên phải thực hiện nuôi tôm sú gối đầu.

Còn ông Ca Minh Chí, cùng ngụ ấp Chợ, có 8 ao, diện tích 4,5 ha nhưng cũng chỉ dám thả nuôi 4 ao, còn lại phải chờ thu hoạch để quay vòng đồng vốn mới tính chuyện thả tiếp.

Thê thảm hơn, tại Bạc Liêu, do khó tiếp cận vốn ngân hàng nên nhóm nuôi tôm liên kết của ông Phạm Trúc Điệp, phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu buộc phải bỏ nghề, “treo” ao từ đầu năm bởi không còn đồng nào để mua con giống và thức ăn.

Dè dặt cho vay thủy sản

Theo thống kê của Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn hệ thống cho vay nuôi trồng thủy sản chỉ đạt hơn 172 tỷ đồng, tổng dư nợ nuôi trồng thủy sản đến 31/6/2013 đạt 1.272 tỷ đồng, so với dư nợ ngày 31/12/2012 chỉ tăng 3,83 %.

Nếu trừ dư nợ nuôi cá tra 5 tỷ đồng thì dư nợ nuôi thủy sản chủ yếu là tôm chỉ đạt 1.248 tỷ đồng, tăng 3,48% so với cuối năm 2012.

Với mức dư nợ đối với nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh ĐBSCL cho thấy, người nuôi tiếp tục gặp khó khăn về vốn. Trong khi đó, chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là giảm lãi suất và tăng vốn cho nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản.

Tại Hội nghị bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lúa gạo và thủy sản vùng ĐBSCL tổ chức tại TP.Cần Thơ mới đây, trước kiến nghị của lãnh đạo các tỉnh trong vùng nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông dân mà trước mắt phải tháo gỡ ngay về vốn và mở rộng bảo hiểm cho nuôi trồng thủy sản, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã khẳng định: “Hoạt động nuôi trồng và chế biến nếu có kế hoạch tốt, ngân hàng sẽ đáp ứng đủ vốn để sản xuất phát triển. Trong đó, hoạt động bảo hiểm sẽ được đẩy mạnh, những sản phẩm quan trọng, đảm bảo được đầu ra sẽ được xem xét cấp bảo lãnh tín dụng …”.

Thế nhưng câu hỏi đặt ra lúc này vẫn là bao giờ thì các ngân hàng và đơn vị bảo hiểm tại các địa phương trong vùng ĐBSCL thực hiện ý kiến “truyền đạt” của Thống đốc NHNN?

Trong khi nông dân cứ mãi “chạy” vốn xoay vòng, thậm chí bỏ hoang diện tích nuôi trồng thủy sản, dẫn đến cung – cầu mất cân đối thì nhiều doanh nghiệp chế biến tôm vì không có hàng phải nhập khẩu nguyên liệu dẫn đến cán cân thanh toán ngoại tệ mất cân đối theo.

>> Ông Quách Bái, Phó Giám đốc Công ty Bảo Việt Sóc Trăng cho biết, 7 tháng đầu năm 23013, Bảo Việt Sóc Trăng chưa thẩm định cấp bất kỳ hồ sơ bảo hiểm nuôi tôm nào, bởi kinh phí hỗ trợ phí bảo hiểm nuôi tôm từ Trung ương cho các đối tượng tham gia chưa cấp về địa phương, các cơ quan chức năng của Bộ ngành và địa phương cũng không có công văn chỉ đạo triển khai bảo hiểm tôm nuôi nên Bảo Việt Sóc Trăng đành “án bính bất động”.

 



Theo toquoc.gov.vn

 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: