Để bước vào vụ nuôi mới thuận lợi

Wednesday,
21/02/2018
0

Hiện, đang là thời điểm thích hợp để người nuôi bước vào vụ nuôi trồng thủy sản xuân hè. Do đó, tuân thủ các bước kỹ thuật cơ bản cho vụ nuôi là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công.


http://tomgiongchauphi.com/uploads/news/2017_03/de-buoc-vao-vu-nuoi-thuan-loi-02.gif



Lập kế hoạch nuôi

Dựa vào khả năng tài chính, trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm để hộ nuôi có thể tính toán dự trù quy mô diện tích, hình thức và đối tượng nuôi cho phù hợp. Cùng đó là việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong ngành hay từ kinh nghiệm của những người nuôi thành công trước khi lập kế hoạch. Từ đó, người nuôi sẽ có những bài học cho riêng mình trong việc lựa chọn con giống, thức ăn, xử lý ao nuôi; cũng như việc lên kế hoạch để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm của mình nhằm tránh tình trạng nuôi ồ ạt, chạy theo thị trường mà không có định hướng trước. Tìm kiếm các khóa tập huấn kỹ thuật nuôi trước khi bắt đầu vào vụ mới cũng là một phần không thể thiếu trong bảng lập kế hoạch nuôi để nâng cao kiến thức cho chính hộ nuôi.

Bố trí nhân lực

Tùy thuộc vào diện tích nuôi, loại hình nuôi, cường độ sản xuất để bố trí đủ lượng nhân lực cho phù hợp. Nhân công phải có các hiểu biết kỹ thuật, kiến thức cơ bản và được đào tạo, tập huấn thường xuyên để đảm bảo thủy sản nuôi luôn được chăm sóc và quản lý tốt.

Ghi chép

Công việc ghi chép lại chi phí mua, bán thức ăn, con giống… sẽ có lợi trong việc giúp cho các hộ nuôi có thể hạch toán được chi tiết tổng số tiền đầu tư, tổng thu của vụ nuôi từ đó tính ra được hiệu quả kinh tế sau một vụ nuôi. Cùng đó, sổ ghi chép theo dõi các hoạt động quản lý, chăm sóc như hoạt động của thủy sản nuôi, số lượng thức ăn; hay đơn giản là ghi lại các dấu hiệu của bệnh và các loại thuốc dùng để xử lý cho ao nuôi. Bởi, đấy chính là cách tạo nên kinh nghiệm nuôi, cách xử lý cho các vụ nuôi sau thành công hơn; là cơ sở để truy xuất nguồn gốc sản phẩm sau này nhất là sản phẩm xuất khẩu.

Xử lý ao nuôi

Đây là kỹ thuật chính, cơ bản nhất để tạo nền móng khi bắt đầu cho vụ nuôi mới. Gồm các bước cơ bản sau: Tiến hành tháo cạn nước ao, bơm vét loại bỏ bùn lỏng, chất thải ra khỏi ao. Tiến hành phơi ao, phơi ao khô nứt chân chim (đối với những ao không bị nhiễm phèn) để các chất khí độc cũng như các chất hóa học tồn dư từ vụ trước được phân hủy. Sau đó tiến hành cải tạo như bình thường. Đối với những ao bị bệnh nếu không chuyển sang nuôi đối tượng khác thì cần cải tạo thật kỹ: Dùng Chlorine 25 - 30 kg/1.000 m3 để diệt mầm bệnh, sau đó tháo cạn và phơi ao; dùng CaO với liều lượng 1,5 tấn/ha, rồi tiến hành cày trục đáy ao. Phơi ao 2 - 3 ngày sau đó cho nước vào ngập mặt đáy ao, ngâm 2 - 3 ngày rồi tháo cạn; trước khi cấp nước 1 - 2 ngày, tiến hành bón lót đáy bằng vôi Dolomite với liều lượng 100 kg/ha và vôi CaCO3 với lượng 50 kg/ha nhằm tăng cường hệ đệm và khoáng hóa nền đáy. Với ao mới cần tát cạn tháo rửa chua 1 - 2 lần sau đó bón vôi làm tăng pH đất, tháo rửa 1 - 2 lần nữa sau đó lấy nước vào sao cho pH ổn định ở mức thích hợp.

Sau khi xử lý ao thì tiến hành cấp nước vào: Nguồn nước phải được lọc qua túi lọc bằng vải nhiều lớp; mực nước đảm bảo là 1,2 - 1,5 m tùy theo độ sâu của ao, tiến hành chạy quạt nước 2 - 3 ngày để kích thích trứng, ấu trùng cá, giáp xác nở. Diệt tạp bằng rễ cây thuốc cá với lượng 4 - 5 kg/1.000 m3 nước hoặc saponin liều lượng 10 - 15 kg/1.000 m3 nước. Tiếp đó tiến hành gây màu nước cho ao trước khi thả giống.

Chọn con giống

Cá giống tốt cần đảm bảo các yêu cầu cơ bản như khỏe mạnh, sức đề kháng tốt, ít bệnh tật và chi phí phòng trị bệnh thấp; kích cỡ cá đồng đều; lớn nhanh, hấp thụ tốt thức ăn và hệ số tiêu tốn thức ăn (FCR) thấp; quá trình chăm sóc, quản lý cá giống dễ dàng. Đối với tôm giống, ngoài việc dựa vào cảm quan để đánh giá chất lượng tôm giống đạt tiêu chuẩn như: Màu sắc đàn tôm tươi sáng, đồng nhất, sắc tố thể hiện rõ; đầu thân cân đối, đôi râu khép lại, các đốt bụng thon dài, cơ bụng căng đầy, thịt đầy vỏ, phụ bộ tôm hoàn chỉnh, đuôi tôm xòe; thức ăn trong ruột đầy, liên tục; tôm giống có phản ứng nhạy với kích thích từ bên ngoài, linh hoạt, khỏe mạnh, phân bố đều trong bể nuôi; tôm bơi thân thẳng và có khuynh hướng bơi ngược dòng, bám vào thành bể tốt; Tôm không nhiễm vi khuẩn phát sáng khi quan sát trực tiếp ở bể trong bóng tối. Tôm phải có kích cỡ đồng đều; kích cỡ tôm sú giống thích hợp là PL15 (12 mm), tôm thẻ chân trắng tối thiểu là PL12 (9 - 11 mm)… Tôm giống còn phải được kiểm dịch và xét nghiệm bằng PCR, quan sát qua kính hiển vi để loại bỏ các con tôm bị bệnh. Đồng thời, có thể kiểm tra sức khỏe tôm bằng phương pháp sốc formol, sốc độ mặn.

Nguồn giống nên được mua ở những cơ sở sản xuất giống uy tín, có giấy phép của cơ quan nhà nước và được thả theo đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo của các cơ quan địa phương nhằm giảm thiểu những thiệt hại không đáng có.


Thủy sản Việt Nam

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: