Theo nhận định của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), trong 3 tháng đầu năm 2016, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi giảm mạnh so với cùng kỳ cả về phạm vi và diện tích xảy ra dịch bệnh.
Theo Cục Thú y, tính tới thời điểm hiện tại, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại do dịch bệnh khoảng 4.720 ha, chiếm 0,9% tổng diện tích thả nuôi. Tỷ lệ diện tích nuôi bị bệnh trong những tháng đầu năm 2016 là 0,17% tổng diện tích đã thả nuôi (tỷ lệ này của năm 2015 là 0,36%). Tỷ lệ thiệt hại trên tôm nuôi so với diện tích thả nuôi cũng giảm từ 1,1% năm 2015 xuống còn 0,9%.
Thu hoạch tôm công nghiệp ở xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu - Ảnh: Kim Trung
Việc kéo giảm tình hình dịch bệnh trên tôm có được là nhờ các tỉnh, thành đã có kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh chu đáo với tổng kinh phí đầu tư hơn 44,6 tỷ đồng, tăng gần 5,5 tỷ đồng so với cùng kỳ 2015. Tuy nhiên, Cục Thú y cũng cho rằng, với điều kiện thời tiết không thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản như hiện nay tạo điều kiện cho nhiều mầm bệnh phát triển. Do đó, trong thời gian tới, dịch bệnh có thể sẽ tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng hơn tới nuôi trồng thủy sản.
Ông Trần Đình Luân - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, tình trạng ô nhiễm ở các vùng nuôi tôm hiện nay đã rất nghiêm trọng, sau nhiều năm nông dân lạm dụng kháng sinh, thuốc thú y… Thế nhưng, có tình trạng, cán bộ, cơ quan chức năng đi thanh-kiểm tra nhưng không thể phát hiện được sai phạm, hoặc có sai phạm nhưng chỉ là những lỗi nhỏ.
“Có những đợt xử phạt cả trăm triệu nhưng chỉ toàn những lỗi như sai nhãn mác, sai thương hiệu... Còn chất lượng sản phẩm, việc sử dụng kháng sinh, chất cấm như thế nào thì không kiểm tra phát hiện được” - ông Luân nói.
Ông Lê Minh Khánh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang cũng cho rằng, dù dịch bệnh trên tôm có thuyên giảm nhưng ngược lại, việc kiểm soát sử dụng kháng sinh vẫn gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, các hình thức mua bán kháng sinh, chất cấm đã tinh vi hơn. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc kháng sinh không phân phối sản phẩm qua các kênh thông thường như đại lý, cửa hàng thuốc thú y mà chuyển thẳng đến ao nuôi của nông dân.
Trong khi đó, cái khó của cơ quan quản lý là theo quy trình, việc kiểm tra, lấy mẫu rồi chuyển đi phân tích, rồi chờ kết quả… rất tốn thời gian, việc giám sát tại chỗ thì chưa có biện pháp nào, chưa có dụng cụ hỗ trợ xác định được có kháng sinh cấm trong ao nuôi… Do đó, ông Khánh đề nghị cần có chương trình kiểm tra định kỳ để kịp thời phát hiện các ao nuôi sử dụng các loại kháng sinh cấm.
Theo Dân Việt