Tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp phía Nam góp ý cho nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thuế xuất khẩu (XK), thuế nhập khẩu (NK) do Tổng cục Hải quan vừa tổ chức tại TP.HCM, các doanh nghiệp thủy sản đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét và có đánh giá toàn diện những lợi ích mà hàng SXXK mang lại và chuyển hàng NK để SXXK được miễn thuế.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư kí Hiệp hội thủy sản Việt Nam (VASEP), mục tiêu XK thủy sản 8 tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020. Trong đó, xác định cần phải NK tương ứng 600.000 tấn thủy sản nguyên liệu (ước khoảng 1,2 – 1,4 tỷ USD) vào năm 2015 và 1 triệu tấn (tương đương 2 – 2,2 tỷ USD) vào năm 2020 mới đủ cho hoạt động chế biến và XK trong giai đoạn này.
Xu hướng NK để SXXK tăng cao và giải quyết lượng lao động lớn ở địa phương. Chỉ riêng 11 tháng đầu năm 2014, Việt Nam NK thủy sản từ 97 nước trên thế giới với giá trị đạt 953 triệu USD, trong đó tôm chiếm tỷ trọng cao nhất, gần 45,4% với trên 433 triệu USD, cá ngừ 167 triệu USD, chiếm gần 12,4%, cá biển 276 triệu USD, chiếm 33,9%.
Chính xu hướng nhập nguyên liệu để SXXK tăng cao góp phần tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở các địa phương trong bối cảnh “mùa vụ” của ngành thủy sản và sự kém ổn định, thiếu nguồn nguyên liệu trong nước cho XK.
Theo phân tích của VASEP, tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu (thiếu 30-40%) đã và đang tiếp tục là trở ngại lớn và tạo sức ép cơ bản cho các DN chế biến xuất khẩu thủy sản trên toàn quốc.
Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tổ chức lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật thuế XK, thuế NK (thay thế cho Luật Thuế XK, NK khẩu số 45/2005/QH11 ngày 14-6-2005). Một trong số các nội dung quan trọng được đề cập trong Dự thảo Luật thuế XK, thuế NK để lấy ý kiến tham vấn đó là quy định miễn thuế NK đối với hàng hóa XK, NK.
Hiện tại, Tổng cục Hải quan đang đưa ra 2 phương án để lấy ý kiến: Phương án 1: Bổ sung quy định hàng hóa NK để SX hàng hóa XK thuộc đối tượng miễn thuế. Phương án 2: Giữ nguyên như quy định hiện hành (do một số đơn vị của Bộ Tài chính lo ngại việc các nước có thể kiện chống trợ cấp; cũng như cho rằng các nước đã và sẽ ký FTAs với Việt Nam không đồng ý, bởi họ sợ các DN Việt Nam sẽ không mua hàng từ các nước này.
VASEP đã triển khai lấy ý kiến các DN hội viên về nội dung trên, hầu hết các DN thủy sản đều đồng tình và ủng hộ cao với phương án 1: Bổ sung quy định hàng hóa NK để SX hàng XK thuộc đối tượng miễn thuế.
Theo phân tích của VASEP, quy định chính sách ưu đãi thuế khác nhau giữa hàng nhập để gia công (thuộc đối tượng miễn thuế) và hàng nhập để SXXK (thuộc đối tượng hoàn thuế, cho ân hạn thuế 275 ngày) của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện hành là chưa hợp lý, vì:
Xét về bản chất, hàng NK để SXXK và hàng gia công đều có nguồn gốc NK (hàng nhập vào để chế biến và xuất khẩu) và không tiêu thụ trong nước. Khi hàng xuất khỏi VN thì không phải nộp thuế NK.
Xét về mặt nghiệp vụ, hàng NK để SXXK nâng cao khả năng kinh doanh và nghiệp vụ ngoại thương cho DN. DN phải tự thân vận động, tìm kiếm khách hàng, tự đổi mới và nâng cao tay nghề để cạnh tranh với các DN khác và bán được hàng.
Từ thực tế trên, VASEP cho rằng, quy định miễn thuế đối với hàng NK để SXXK giống như hàng gia công sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả DN và cơ quan quản lý nhà nước, nên đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét và có đánh giá toàn diện những lợi ích mà hàng SXXK mang lại và chuyển hàng NK để SXXK được miễn thuế giống như loại hình gia công./.
Báo Hải Quan