Doanh nghiệp tôm ngay ngáy lo nguyên liệu

Thursday,
22/02/2018
0

Chưa kịp mừng vì thoát cùng lúc hai loại thuế trên thị trường Mỹ, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đang lo ngay ngáy vì thiếu nguyên liệu cho những hợp đồng đã ký.


http://tomgiongchauphi.com/uploads/news/2013_10/che-bien-tom.jpg

Tin vui từ các thị trường

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), từ đầu năm đến nay, tôm chính là sản phẩm “cứu nguy” cho xuất khẩu thủy sản của cả nước. Cụ thể, trong khi các sản phẩm chính khác đều sụt giảm đáng kể, thì xuất khẩu tôm tăng gần 22%. Riêng xuất khẩu tôm trong tháng 8/2013 tăng tới 65,5%.

Sự phục hồi của thị trường thế giới cộng với những khó khăn về nguyên liệu của ngành tôm Thái Lan đã giúp tôm xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục. Hiện Mỹ đã vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường số một về tiêu thụ tôm Việt Nam.

Xuất khẩu tôm sang Mỹ bắt đầu phục hồi từ quý II/2013 và đạt trên 445,6 triệu USD trong 8 tháng đầu năm, tăng 52,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc Mỹ vừa được gỡ bỏ thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá sẽ khiến xuất khẩu tôm Việt Nam vào thị trường này thêm rộng mở.

Cùng với thị trường Mỹ, xuất khẩu tôm sang nhiều thị trường chủ lực cũng đang có tốc độ tăng rất ấn tượng.

Cụ thể, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản trong 8 tháng đầu năm tăng 23%, sang EU tăng 54,5%, sang Hàn Quốc tăng 96,2%. Canada cũng là thị trường rất tiềm năng. Dù đứng thứ 7 về nhập khẩu tôm Việt Nam, nhưng Canada lại là thị trường có sức tiêu thụ tốt. Xuất khẩu tôm sang Canada trong 8 tháng đầu năm tăng 42,3%, đạt trên 63,6 triệu USD.

Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu tôm khá lạc quan về triển vọng trong năm nay cả về giá lẫn thị trường. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho rằng, nhu cầu nhập khẩu mạnh của các nước như Mỹ, EU, Nhật Bản sẽ khiến giá tôm cuối năm nay tăng mạnh. Do đó, những doanh nghiệp có được nguồn nguyên liệu sẽ thắng lớn.

Thương lái thôn tính thị trường

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp không đủ nguyên liệu để chế biến do phải cạnh tranh gay gắt với các thương lái trong việc thu mua tôm nguyên liệu. Tại nhiều vùng nuôi tôm chính ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều thương lái đang đẩy mạnh gom tôm các cỡ với giá cao để xuất sang Trung Quốc, khiến các doanh nghiệp chế biến tôm lao đao, vì không đủ tôm nguyên liệu đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu đã ký.

“Nhiều khách hàng muốn ký hợp đồng, nhưng Công ty không dám ký vì sợ không mua được nguyên liệu. Mà có mua được thì cũng không có lãi, vì giá nguyên liệu đã bị thương lái Trung Quốc đẩy giá lên quá cao”, đại diện Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho hay.

Được biết, nhu cầu tôm từ Trung Quốc nhiều tháng nay tăng mạnh, do sản lượng tôm của nước này bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hiện Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm đứng thứ tư của Việt Nam. Song chủ trương của nước ta là khuyến khích xuất khẩu chính ngạch để kiểm soát chất lượng. Trong khi đó, hoạt động “tận thu” của các thương lái trên thị trường lại có tính phá rối.

Hậu quả của tình trạng trên là nhiều doanh nghiệp có nguy cơ mất hợp đồng, hàng ngàn lao động mất việc làm. Quan trọng hơn, việc thu gom ồ ạt của thương lái Trung Quốc khiến người nuôi có thể lơ là về chất lượng, gây ảnh hưởng tới uy tín của tôm xuất khẩu Việt Nam.

Tổng cục Thủy sản Việt Nam đã yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình trạng đưa tạp chất vào tôm. Vasep cũng đã kiến nghị Nhà nước đánh thuế vào hàng xuất khẩu nguyên liệu thủy sản thô, cụ thể là đối với tôm nguyên liệu chưa qua chế biến.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp, tình trạng thương lái nước ngoài vào thôn tính, phá hoại thị trường nguyên liệu sẽ không chấm dứt, nếu ngành nông nghiệp không xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất khép kín. Trong đó, hợp đồng ký kết giữa nông dân và doanh nghiệp phải cực kỳ chặt chẽ và chính quyền phải là đơn vị đứng ra đảm bảo hiệu lực của hợp đồng đó./.


Báo Đầu tư

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: