Đã có không ít doanh nghiệp từng hy vọng sẽ “dễ thở” hơn trong năm 2015, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang lo lắng khi đồng euro đang mất giá mạnh và nền kinh tế châu Âu vẫn còn khó khăn.
Hiện giá trị đồng euro đang ở mức thấp nhất trong 12 năm qua. Tuy nhiên giao dịch sáng 16-3 tại Tokyo (Nhật), 1 euro tương đương 1,0451 đô la Mỹ, tức đã mất đi một phần tư giá trị trong vòng năm qua. Đồng euro bắt đầu giảm giá từ giữa năm ngoái so với đô la Mỹ và giảm mạnh từ tháng 12-2014 đến nay.
Cũng giống như đa số doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu sang thị trường châu Âu, ông Vũ Quang Thành, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thủy sản và thực phẩm Thành Hải (TPHCM), cho biết lâu nay các hợp đồng xuất khẩu của công ty sang thị trường này đều thanh toán bằng đô la Mỹ. Do biến động của đồng euro nên công ty ông chưa ký được hợp đồng nào với thị trường này cho năm nay.
“Chúng tôi vẫn đang đàm phán hợp đồng mới, từ đầu năm đến nay các đối tác châu Âu thường phản hồi thông tin rất chậm. Biến động tỷ giá cũng có thể là một lý do cho việc chậm trễ này”, ông Thành nói.
Do không có gì chắc chắn với những hợp đồng xuất khẩu sang châu Âu nên ông Thành đang tìm cách mở rộng sang các thị trường mới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Trung Đông để đạt kế hoạch doanh thu năm 2015.
Bà Nguyễn Thị Ánh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phẩn Thủy sản Sông Tiền ở Tiền Giang, cho biết các đối tác nhập khẩu cá tra của công ty thông báo chỉ đồng ý ký hợp đồng mới nếu Sông Tiền đồng ý giảm giá.
Theo bà Ánh, lâu nay giá cá tra xuất khẩu sang thị trường châu Âu đã ở mức thấp nhất, 2,6 đô la Mỹ/ki lô gam.
Nếu bây giờ giảm thêm 10-12 xu/ki lô gam thì công ty bà sẽ lỗ vì giá cá tra nguyên liệu đầu vào đã là 23.500 đồng/ki lô gam và phải mất 3 ký cá nguyên liệu mới chế biến được 1 ký cá phi lê.
“Không thể bán thấp hơn giá thành nên chúng tôi buộc phải từ chối, chấp nhận tồn kho và chấp nhận các khoản chi phí đầu vào sẽ tăng thêm”, bà Ánh nói.
Hỏi về kế hoạch sắp tới, bà Ánh nói đó là một vùng tối vì chuyện tỷ giá các đồng tiền như euro hay đô la Mỹ hoàn toàn nằm ngoài tầm dự đoán của doanh nghiệp.
“Để giảm chi phí đầu vào, chúng tôi tổ chức nuôi cá. Bây giờ cá đã lớn, dù không có hợp đồng xuất khẩu vẫn phải thu hoạch, chế biến rồi để đó chờ khi nào được giá sẽ bán. Đó là giải pháp tối ưu của chúng tôi vào thời điểm này”, bà nói.
Châu Âu lâu nay là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, với nhiều mặt hàng chủ chốt như thủy sản, dệt may, da giày... Không chỉ có ngành thủy sản đang gặp khó, một số doanh nghiệp dệt may, da giày khi được hỏi cũng cho biết khách của họ đang thương thảo khá quyết liệt để giảm giá các đơn hàng. Một số công ty trong ngành này đã bị giảm số lượng đơn hàng đi châu Âu, có công ty giữ được đơn hàng thì phải chấp nhận xuống giá.
Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát, cho biết công ty gia công sản phẩm giày cho khách và những nơi này bán vào thị trường châu Âu. Do đó, khi đồng euro mất giá, các khách hàng này gặp khó khăn và họ đã kèo nài giảm giá mười mấy phần trăm. Để các đơn hàng không bị ảnh hưởng, bà cũng phải cân nhắc khi chào giá, đảm bảo đủ việc làm cho công nhân.
Lãnh đạo một công ty gia công giày khác tại Bình Dương cũng cho biết, nếu trước đây công ty thường ký các hợp đồng kéo dài một năm, thì nay chỉ ký sáu tháng để xem diễn biến của thị trường cũng như tỷ giá như thế nào. “Trước đây có dự báo là viễn cảnh kinh tế năm nay tốt, nhưng giờ diễn biến ngoại tệ, kinh tế thế giới phức tạp, khó mà đoán được”, người này cho biết.
Trong khi không ít doanh nghiệp Việt Nam đang bị ảnh hưởng từ diễn biến bất lợi như vừa đề cập ở trên thì chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty may mặc có trụ sở tại TPHCM cho biết, từ năm ngoái công ty ông đã chú ý đến khả năng đồng euro mất giá. Lãnh đạo công ty còn dự báo đồng euro có thể ngang giá với đô la Mỹ trong một hai năm tới.
Do lo ngại từ sớm về sự mất giá của đồng euro, từ năm ngoái công ty này đã chủ động chuyển dần sang thị trường Mỹ. Nếu trước đây, trong cơ cấu xuất khẩu, thị trường Mỹ và châu Âu đều chiếm 40% tổng lượng xuất khẩu của công ty, thì đến thời điểm này tỷ trọng ở thị trường Mỹ đã chiếm hơn 50%.
Theo ông thị trường Nhật Bản cũng sẽ rất khó khăn vì đồng yen đang mất giá so với đồng đô la Mỹ. Bài học mà ông muốn chia sẻ với các doanh nghiệp là nên chú trọng vào công tác dự báo để có bước chuyển kịp thời, tránh rơi vào cảnh phụ thuộc khách hàng sẽ dễ bị ép giá.
Du lịch chờ phản ứng của thị trường
“Tỷ giá cũng mới thay đổi nên trong Hội chợ Du lịch ITB Berlin tại Đức hồi đầu tháng này vẫn chưa thấy đối tác đề cập đến. Những hợp đồng đã ký đến năm 2016 vẫn ổn. Tôi cho rằng đồng euro mất giá sẽ có tác động đến du lịch Việt Nam nhưng hiện chưa biểu hiện rõ”, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc Furama resort Đà Nẵng, nói.
Ông Võ Anh Tài, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, đánh giá với tình hình này giá tour đến Việt Nam cho khách từ khu vực đồng euro đã trở nên đắt đỏ hơn. Giá tour cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức mua và nhu cầu của thị trường. Ngoài sự biến động của đồng euro, những thị trường có liên quan đến đồng đô la Úc, đồng yen của Nhật hay đồng rúp của Nga cũng đang có biến động lớn và cũng sẽ tác động đến ngành du lịch.
“Chúng tôi và các đối tác châu Âu cũng vừa đưa ra dự báo về tình hình này và cũng mới chuẩn bị một số biện pháp để đối phó”, ông Tài nói.
Đánh giá về thị trường châu Âu, Hội chợ Du lịch ITB Berlin vừa diễn ra tại Đức vào đầu tháng 3-2015 dẫn báo cáo về xu hướng du lịch 2014/2015 do IPK International thực hiện, cho rằng thị trường có dấu hiệu tăng trưởng lạc quan trong năm nay. Số người lên kế hoạch du lịch trong năm 2015 ngang bằng thậm chí tăng nhẹ lên 72% so với mức 70% của năm ngoái. IPK International kỳ vọng thị trường du lịch nước ngoài sẽ tăng trưởng tốt, tăng 3% so với năm ngoái.
Về mảng tour cho khách Việt Nam đến châu Âu, nhiều công ty cho biết hiện chưa có sự thay đổi về giá hay sức mua của khách hàng. Đồng euro mất giá so với tiền đồng của Việt Nam thì tour đến khu vực này sẽ rẻ hơn nhưng nhiều công ty vẫn niêm yết theo giá cũ. Có công ty giải thích là do giá đã ký trước với nhà cung cấp dịch vụ nên chưa thể thay đổi, có công ty nói rằng biến động chỉ vài trăm ngàn đồng nên tạm thời chưa báo giá mới.
“Thị trường vẫn vậy. Với những du khách đã bỏ vài chục đến hơn cả trăm triệu đồng để mua tour đi châu Âu thì việc giảm giá từ vài trăm ngàn đến một triệu đồng sẽ không ảnh hưởng đến quyết định mua tour hay kế hoạch đi du lịch của họ”, ông Lưu Đình Phục, Giám đốc Công ty Du lịch Viettours, nói. Đào Loan.
TBKTSG Online