EMS sẽ được hóa giải?

Thursday,
08/02/2018
0

Ngày 1/5/2013, Liên minh Thủy sản toàn cầu (Global Aquaculture Alliance -GAA) cho biết, Tiến sĩ Donald Lightner, nhà nghiên cứu bệnh tôm nổi tiếng tại Đại học Arizona (Mỹ), đã tìm ra nguyên nhân Hội chứng tôm chết sớm (EMS), một căn bệnh khiến ngành nuôi tôm thế giới bị thiệt hại 1 tỷ USD/năm.


Mối lo của toàn thế giới

EMS (Early Mortality Syndrome), còn được gọi là Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính - AHPNS (Acute hepatopancreatic necrosis system), tác động đến cả tôm sú P. monodon và tôm thẻ chân trắng L. vannamei, với đặc điểm tôm chết hàng loạt trong giai đoạn nuôi 20 - 40 ngày tuổi.

http://www.thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/tieu%20diem/z300-Thuy-san-Viet-Nam2159-.jpg

Ảnh: Phan Thanh Cường

Tại Trung Quốc, năm 2009, EMS xuất hiện lần đầu tại vùng nuôi tôm đảo Hải Nam, năm 2010 - 2011 đã gây thiệt hại nặng. Ông Cui He, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tiếp thị các nhà sản xuất thủy sản Trung Quốc, nhận định EMS sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho ngành nuôi tôm ở miền Nam Trung Quốc và dự kiến nước này sẽ nhập tôm nhiều hơn từ Ấn Độ, Indonesia và Ecuador; điều này đồng nghĩa sẽ đẩy giá tôm trên thị trường lên cao hơn.

Tại Việt Nam, EMS bắt đầu xuất hiện năm 2010 và lan rất nhanh. Năm 2011, EMS đã tác động đến hơn 98.000 ha tôm; năm 2012 đã có khoảng 330 triệu con tôm chết ở Trà Vinh và 20.000 ha tôm sú nuôi ở Sóc Trăng. Ngành nuôi tôm Thái Lan cũng bắt đầu phải chịu ảnh hưởng của EMS từ năm 2012; đến nay, hầu hết các trang trại trong vùng nuôi tôm rộng lớn ở miền đông Thái Lan đều bị thiệt hại. Cuối năm 2012 đầu năm 2013, 80 - 90% diện tích ao nuôi ở khu vực này phải ngừng sản xuất.

Giải pháp cho nghề nuôi tôm châu Á

Tiến sĩ Donald Lightner đã phát hiện ra rằng EMS được gây ra bởi một chủng duy nhất của một loại vi khuẩn tương đối phổ biến là Vibrio Parahaemolyticus. Vi khuẩn này đã bị nhiễm bởi một loại thể thực khuẩn (Phage) làm cho chúng sinh ra một loại độc tố rất mạnh. Vi khuẩn lây truyền qua đường miệng (orally), sau đó xâm nhập đường tiêu hóa, tạo ra độc tố phá hủy mô và làm rối loạn chức năng gan tụy, cơ quan tiêu hóa của tôm. Nghiên cứu đang được tiếp tục thực hiện nhằm phát triển các kỹ thuật xét nghiệm, chẩn đoán để phát hiện nhanh chóng EMS; từ đó, cho phép tăng cường công tác quản lý các trại giống và ao nuôi. Nó cũng sẽ cho phép đánh giá tốt hơn về những rủi ro liên quan đến nhập khẩu tôm đông lạnh hoặc sản phẩm khác từ các nước bị ảnh hưởng bởi EMS.

Nghiên cứu này cũng cho thấy tôm đông lạnh chỉ có thể gây rủi ro rất thấp cho ngành nuôi tôm địa phương ở các nước nhập khẩu và môi trường tự nhiên, vì tôm nhiễm EMS thường kích thước rất nhỏ và không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, sản phẩm tôm đông lạnh tương đối an toàn và chưa có cơ sở khoa học khẳng định đó là nguồn lan truyền bệnh EMS.

Thời gian qua, tôm Việt Nam bị nhiều thị trường từ chối nhập khẩu, cũng là bất lợi lớn, ảnh hưởng tới uy tín và hình ảnh tôm Việt Nam. Nếu không có giải pháp hữu hiệu, Việt Nam sẽ đánh mất dần những thị trường nhập khẩu tôm chính... Ông Dương Văn Thể, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản), cho rằng việc tìm ra nguyên nhân gây EMS là một trong những yếu tố góp phần hạn chế được dịch bệnh cho Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung. Tuy nhiên, vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu thêm để đưa ra được những giải pháp hữu hiệu nhất, vì việc nghiên cứu không chỉ dừng ở lý thuyết mà cần đưa ra được những phương pháp khả dĩ áp dụng trong thực tiễn nuôi trồng. Thực tế tại ĐBSCL, nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh trên tôm, vẫn có nhiều hộ nuôi tôm thành công, Vụ NTTS đã nghiên cứu, tổng hợp quy trình nuôi tôm hạn chế dịch bệnh và ban hành cho các địa phương.

Ngày 18/4, tại Tiền Giang, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức hội nghị giao ban NTTS các tỉnh ven biển ĐBSCL; đại biểu các tỉnh cho biết quy trình này đã mang lại hiệu quả thiết thực, diện tích tôm nuôi bị chết giảm đáng kể. Phần diện tích bị chết chủ yếu do bệnh đốm trắng và một số bệnh khác, ảnh hưởng của EMS rất hạn chế. Tổng cục Thủy sản cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi theo quy trình hợp lý, đảm bảo các yếu tố môi trường thuận lợi, hạn chế tôm nhiễm bệnh..., ông Thể cho biết thêm.

>> Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2012, ngành nuôi tôm có 100.766 ha ao nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh và 45,7% tổng số trại nuôi phải đổi mặt EMS. EMS cũng đang khiến nguồn tôm nguyên liệu tại Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam... suy giảm mạnh.


Theo Thủy sản Việt Nam
 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: