Tôm nuôi nước lợ tại các vùng nuôi tôm trọng điểm ven biển ĐBSCL đang thời điểm thu hoạch cuối vụ, sản lượng ít, giá lại giảm mạnh. Giá tôm nguyên liệu giảm được nhận định là do thuế chống bán phá giá (CBPG) tại Mỹ.
Ông Nguyễn Văn Bình, chủ doanh nghiệp mua tôm tại thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) cho biết, thuế CBPG cao tại Mỹ khiến giá tôm xuất khẩu vào thị trường này thấp. Các nhà nhập khẩu tôm tại các thị trường khác cũng nhìn vào giá tôm tại thị trường Mỹ để ép giá nhập khẩu tôm Việt Nam. Kết quả là giá tôm nguyên liệu trong nước những ngày qua tiếp tục giảm mạnh.
Theo nông dân nuôi tôm Trần Quang Hai ở xã Phú Đông, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), so với tuần trước thì giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng đều giảm 10.000 đồng/kg, dù khu vực này không còn nhiều ao tôm chưa thu hoạch.
Sau thông tin DOC áp thuế CBPG, giá tôm giảm
Hiện nay, tôm sú loại 40 con/kg giá 160.000 - 170.000 đồng/kg, giảm so với 170.000 - 180.000 đồng/kg của tuần trước; tôm sú loại 30 con/kg giá 200.000 - 205.000 đồng/kg, giảm so với 210.000 - 220.000 đồng/kg; tôm thẻ chân trắng loại 60 con/kg giá 120.000 - 125.000 đồng/kg, giảm so với 130.000 - 135.000 đồng/kg; tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giá 100.000 - 105.000 đồng/kg, giảm so với 110.000 - 115.000 đồng/kg.
Ngày 19/9/2014, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối thuế CBPG tôm Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ cho đợt xem xét hành chính từ 1/2/2012 đến 31/1/2013 (POR8). Các công ty xuất khẩu tôm Việt Nam bị áp mức thuế cao nhất từ trước đến nay. Trong đó Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chịu mức thuế 4,98%; Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) 9,75%; 30 công ty bị đơn khác chịu mức 6,37%. Trước đó, tháng 3/2014, theo kết quả sơ bộ đợt xem xét hành chính lần thứ 8 này, DOC đã xác định tất cả các công ty Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đã xuất khẩu tôm vào Mỹ với giá thấp hơn giá trị hợp lý. Do đó, DOC đã quyết định mức thuế cao đối với tôm nhập từ Việt Nam.
Theo Thủy sản Việt Nam