Năm 2013 đánh dấu ngành tôm nước lợ phục hồi sản xuất, được mùa được giá, kiểm soát tốt dịch bệnh, đặc biệt là sự trỗi dậy của tôm thẻ chân trắng. Đây được coi là thành công của con tôm sau thời gian dài bết bát. Tuy nhiên, ngành vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Thắng nhưng chưa hết lo
Theo Tổng cục Thủy sản, đến nay, diện tích nuôi tôm của cả nước đạt 652.612 ha, bằng 99,2% cùng kỳ năm 2012; trong đó, tôm sú là 588.894 ha, TTCT 63.719 ha. Sản lượng thu hoạch 475.854 tấn (tôm sú là 232.853 tấn, TTCT 243.001 tấn). Giá trị xuất khẩu tôm đạt khoảng 2,5 tỷ USD, tăng gần 33% so cùng kỳ 2012 và chiếm 44% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước.
Cùng với đó, việc sụt giảm sản lượng tại các nước sản xuất tôm khác đã khiến nhu cầu nguyên liệu tăng cao kéo theo giá tôm tăng mạnh. Nhằm tận dụng lợi thế này, Tổng cục Thủy sản cho phép phát triển TTCT vụ 3 ở những khu vực có điều kiện với phương thức nuôi thâm canh và bán thâm canh ở cả quy mô nông hộ và trang trại. Kết quả năm 2013, diện tích nuôi TTCT đạt 63.719 ha, tăng 23.429 ha (bằng 159,9% so năm 2012) và mặc dù chỉ chiếm 9,8% tổng diện tích nuôi tôm nhưng sản lượng đã vượt tôm sú. Hiện, TTCT được thả nuôi với diện tích và sản lượng ngày càng tăng, vượt xa kế hoạch. Điển hình tại Bạc Liêu, diện tích nuôi TTCT đã đạt 479,8% cùng kỳ năm 2012 và bằng 472,7% kế hoạch.
Hiện, sản lượng và diện tích nuôi TTCT ngày càng tăng - Ảnh: Phan Thanh Cương
Bên cạnh đó, mặc dù năm nay dịch bệnh trên tôm nuôi tại hầu hết các tỉnh đã giảm nhưng vẫn trầm trọng. Theo đại diện Cục Thú y, diện tích tôm bị bệnh chỉ bằng 1/5 so với năm 2012, tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh đốm trắng lại tăng, cả về diện tích và số địa phương. Riêng đối tượng tôm sú tỷ lệ mắc bệnh chiếm 37% diện tích nuôi; TTCT là 58%.
Thực tế dịch bệnh tôm nuôi vẫn luôn rình rập, nhưng nhiều địa phương vẫn bị động trong việc đối phó và gần như xảy ra dịch mới xuất kinh phí dập dịch, vì không có nguồn kinh phí dự phòng để chủ động ngăn chặn…
Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho rằng, môi trường nước có dấu hiệu ô nhiễm, dịch bệnh liên tục xảy ra và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát rất cao, gây thiệt hại khá lớn. Song địa phương chưa có kế hoạch cụ thể về phòng chống dịch bệnh; ý thức phòng chống dịch của người nuôi và năng lực của hệ thống thú y cơ sở còn hạn chế…
Giải pháp cho vụ mới
Năm 2013, thủ phạm gây tôm chết hàng loạt đã được tìm ra, đó chính là Vibrio parahaemolyticus. Ông Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II cho rằng, vi khuẩn này đã tồn tại hàng chục năm nay cùng với con tôm, tuy nhiên hiện nay nó nguy hiểm hơn và độc hơn. Điều này có thể là do sự tồn tại của một loại virus ký sinh trong đó, hoặc là đột biến gen dẫn đến sự thay đổi tính chất của nó. Nguyên nhân là do môi trường ô nhiễm, đó là mấu chốt, còn nhiệt độ, độ ẩm, H2S, COD… chỉ là yếu tố phụ. Do vậy, chúng ta cần có phương pháp điều trị phù hợp, đặc biệt trong mỗi giai đoạn nuôi.
Theo ông Trần Văn Của, Chủ tịch Hội Thủy sản Cà Mau nhận định: Năm 2013 tôm chết còn rất nhiều, tuy nhiên, vẫn có một số người nuôi rất trọn vẹn, đặc biệt tại những diện tích mới, vùng mới, điều này cho thấy môi trường sinh thái rất quan trọng và cần được quan tâm sâu. Bên cạnh đó, cũng không nên quy định chung lịch thời vụ như hiện nay, mà nên riêng theo từng địa phương phù hợp với điều kiện của từng vùng.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh: Năm 2013, tuy một số hộ và vùng nuôi chưa hoàn toàn thắng lợi, nhưng có thể nhận định chung là thắng lợi, đặc biệt là đặt trong bối cảnh các nước khác đang còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục, như lịch thời vụ và quá trình nuôi đưa ra chưa kịp thời và đáp ứng được nhu cầu, việc lấy mẫu và lập bản đồ dịch tễ chưa chủ động, bộ máy quản lý chưa kiện toàn... Đây là những vấn đề cần phải giải quyết sớm và triệt để trong năm 2014 và các năm tiếp theo.
>> Năm 2013, diện tích nuôi của cả nước ước đạt 654.000 ha; trong đó diện tích nuôi TTCT là 64.000 ha, tôm sú: 590.000 ha. Sản lượng đạt 540.934 tấn; trong đó TTCT là 272.837 tấn, tôm sú là 268.097 tấn.
Thủy sản Việt Nam