Trước đây, hầu hết các hộ nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đều chọn nuôi mật độ cao để tăng sản lượng tôm nuôi. Nhưng kể từ đầu năm 2015 đến nay, khi tôm nguyên liệu trên thị trường bị rớt giá, cộng với giá thức ăn, vật tư phục vụ nuôi thuỷ sản ở mức cao thì cách nuôi này phần lớn không mang lại hiệu quả.
Nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp mật độ cao trước đây cho biết, bất lợi lớn nhất đối với việc nuôi mật độ cao từ 80 - 120 con/m2 là làm cho chi phí sản xuất tăng lên rất nhiều. Vì ngoài lượng thức ăn cho tôm nuôi phải tăng, việc thả tôm với mật độ cao sẽ làm cho các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi thường xuyên biến động, người nuôi tôm phải bỏ ra khoản tiền khá lớn để đầu tư mua các loại hoá chất xử lý nguồn nước. Song, đầm tôm luôn tiềm ẩn dịch bệnh. Khi tôm bị bệnh chết, nhiều hộ không còn khả năng tái đầu tư, không ít hộ phải treo đầm.
Ðể luôn trụ vững với nghề nuôi tôm công nghiệp, anh Phạm Văn Ngữ luôn duy trì thả tôm nuôi ở mật độ khá thưa, trung bình khoảng 4 con/m2 đối với tôm sú và 20 con đối với tôm thẻ chân trắng, mỗi năm chỉ nuôi 2 vụ. Nhờ vậy, kể từ khi bước vào nghề nuôi tôm công nghiệp đến nay được hơn 3 năm, anh nuôi tổng số 7 vụ tôm công nghiệp, trong đó 5 vụ có lãi cao, 2 vụ hoà, chưa một lần bị thua lỗ. Anh vừa lên hầm tôm thẻ chân trắng diện tích 3.000m2, được 2,2 tấn, trọng lượng trung bình 40 con/kg, trừ chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng.
Anh Ngữ cho biết: “Cái lợi lớn nhất đối với việc thả tôm nuôi mật độ thưa, ngoài việc giảm được chi phí thức ăn, hoá chất, môi trường nước trong đầm nuôi cũng ít biến động, giúp tôm nuôi phát triển nhanh, đạt đầu con, ít xảy ra dịch bệnh và có điều kiện kéo dài thời gian nuôi để bán tôm trọng lượng lớn với giá cao. Ðây là yếu tố giúp tôi thành công trong nuôi tôm công nghiệp khi giá tôm nguyên liệu trên thị trường bấp bênh, không ổn định và thức ăn, hoá chất phục vụ cho tôm nuôi có xu hướng tăng giá như hiện nay”.
Ông Nguyễn Thanh Giảng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, cho biết, kể từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi tôm công nghiệp được thả nuôi giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2014. Hiện toàn huyện có 1.600 ha nuôi tôm công nghiệp, tâp trung nhiều nhất ở các xã: Lương Thế Trân, Hưng Mỹ, Hoà Mỹ, Tân Hưng. Nhưng đến thời điểm này, nông dân chỉ thả nuôi được gần 700 ha, chiếm khoảng 50% diện tích. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí sản xuất tăng nhưng giá tôm nguyên liệu bị sụt giảm, nên bà con nông dân không dám mạnh dạn thả nuôi.
Trước đây, giá tôm nguyên liệu trên thị trường khá cao, nông dân thả nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ trên 100 con/m2, sau 2 tháng nuôi tôm đạt trọng lượng 100 con/kg, bán với giá 100.000 đồng là người nuôi đã có lãi, còn hiện nay loại tôm này chỉ dao động trên dưới 80.000 đồng/kg nông dân sẽ bị lỗ. Do đó, để duy trì loại hình tôm nuôi công nghiệp nông dân nên thả tôm nuôi mật độ thưa giống như cách làm của anh Phạm Văn Ngữ, nhằm tiết kiệm chi phí để nâng cao hiệu quả sản xuất, ông Nguyễn Thanh Giảng khuyến cáo./.
Báo Cà Mau