Giá tôm tại đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Giá bán tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg chỉ còn 70.000 đồng/kg, giảm gần 30% so cùng kỳ năm trước, trong khi giá thành 75.000 - 80.000 đồng/kg. Các loại tôm khác, kể cả tôm sú, đều giảm giá tương ứng.
Tôm giảm giá từ đầu năm 2015, liên tục đến nay, không biết bao giờ có thể tăng trở lại. Theo nhận định của Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau Châu Công Bằng thì đến quý 3/2015 giá tôm chưa tăng lại. Kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau mới đạt gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu của Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15/4, xuất khẩu tôm đạt giá trị hơn 680 triệu USD. Trong đó, ba thị trường chính là Mỹ chiếm gần 20,8%; EU 18,2% và Nhật Bản gần 18,5%. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, ba thị trường chính nhập khẩu tôm nước ta đều giảm. Theo VASEP, giá tôm tại Mỹ đang ở mức thấp nhất 6 năm nay, "đã chạm đáy mà người mua vẫn thờ ơ".
Diễn giả Nguyên Bích của VASEP cho biết tại hội nghị về xuất khẩu tôm ở Cần Thơ ngày 6/5, giá thành tôm nước ta đang cao hơn các nước khác 1 - 2 USD/kg. Vì thế, hạ giá thành sản xuất và giá thành sản phẩm xuất khẩu để nâng cao năng lực cạnh tranh cho tôm Việt Nam là một thách thức phải vượt qua, nhất là trong bối cảnh thi hành nhiều hiệp định thương mại tự do.
Trong các giải pháp hạ giá thành, quy hoạch vùng nuôi tôm nước lợ để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật là một giải pháp căn bản, có ý nghĩa lâu dài. Dễ hình dung, thủy lợi phục vụ nuôi tôm được đầu tư hệ thống cấp nước và thoát nước riêng biệt sẽ hạn chế dịch bệnh. Mà dịch bệnh đang gây tổn thất lớn nhất cho ngành nuôi tôm nhiều năm nay.
Tiếp đó là điện và giao thông đường bộ. Ở xã Tân Hưng Đông có diện tích nuôi tôm công nghiệp lớn nhất huyện Cái Nước (Cà Mau) với khoảng 300 ha, anh Đặng Hòa Hợp nuôi 3 ha, kể nỗi gian nan lo điện và vận chuyển: Vì xa trung tâm xã, xa quốc lộ, điện yếu nên anh phải thuê một người canh cầu dao tổng, nếu cúp thì bật lên, một tháng tốn 3,5 triệu đồng. Khi điện quá yếu hoặc cúp kéo dài, phải chạy máy nổ quay cánh quạt nước. Mỗi ao có 4 giàn quạt, đặt 2 máy nổ, 9 ao là 18 máy. Giá mỗi máy nổ hơn 3 triệu đồng, tốn gần 600 triệu đồng. Một ao phải mướn một người ngồi canh máy nổ, tốn một tháng 3,5 triệu đồng, 9 ao tốn 31,5 triệu đồng. Mỗi năm, sản lượng tôm khoảng 72 tấn, không có đường bộ, phải chở đường thủy tốn thêm 3.000 đồng/kg, cũng có nghĩa lợi nhuận một năm giảm 216 triệu đồng. Thức ăn nuôi tôm và nhiều thứ vật tư khác còn nhiều hơn nên tốn hơn nữa.
"Vua tôm" Võ Hồng Ngoãn ở tỉnh Bạc Liêu cho biết, vùng nuôi được quy hoạch, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ là mơ ước từ lâu của người nuôi tôm. Nếu đạt được thì khi đó tôm nuôi sẽ hạ giá thành và còn quản lý được môi trường, dịch bệnh, để phát triển ổn định.
Thủy sản Việt Nam