Hạn chế dịch bệnh tôm nuôi

Friday,
09/02/2018
0

Tôm chết hàng loạt trên diện rộng, đòi hỏi người nuôi phải có biện pháp hạn chế dịch bệnh kịp thời, sao cho thiệt hại ở mức thấp nhất.


Quản lý môi trường

Người nuôi cần có những biện pháp quản lý môi trường hiệu quả bằng cách cải tạo ao nuôi đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Trong quá trình nuôi, hằng ngày cần đo các chỉ tiêu ôxy hòa tan, pH, độ trong, riêng độ kiềm và hàm lượng amoni (NH3) có thể 3 - 5 ngày đo 1 lần. Đặc biệt chú ý pH và độ kiềm, vì nếu hai nhân tố này biến động ngoài khoảng thích hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến tôm nuôi: Độ kiềm thấp tôm mềm vỏ khó lột xác, chậm phát triển...; đảm bảo pH 7,5 - 8,5, độ kiềm 80 - 120 mg/l. Ngoài ra, không lạm dụng việc diệt khuẩn môi trường nước ao bừa bãi, định kỳ 20 - 25 ngày xử lý nước và đáy ao bằng chế phẩm sinh học (EMC, Bio - DW, BestTOT NO3...) theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt quy chế quản lý cộng đồng vùng nuôi tập trung, giữ vệ sinh môi trường ao nuôi, vùng nuôi (đưa ra những quy định không xả tôm bệnh ra môi trường bên ngoài, kiểm soát chất lượng con giống...). Môi trường trong sạch thì tôm càng ít bị nhiễm bệnh và khó phát bệnh.

http://www.thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/tuvantieudung/z300-con-tom-568-.jpg

Bổ sung vitamin, khoáng chất... giúp tăng sức đề kháng cho tôm - Ảnh: Thanh Ngân

Quản lý giống

Con giống đảm bảo chất lượng, có sức đề kháng tốt, không bị nhiễm bệnh cũng là một cách đề phòng dịch bệnh hiệu quả. Khuyến cáo người nuôi tôm nên mua giống từ các cơ sở sản xuất tôm giống có uy tín đồng thời nên trực tiếp lựa chọn con giống. Nhìn ngoài, tôm giống đạt tiêu chuẩn phải có kích thước đồng đều trong bể ương, bám thành tốt, hoạt động linh hoạt, khi bơi đuôi tôm xòe ra, cặp râu lúc nào cũng khép kín (kể cả khi bám tại chỗ). Ngoài ra, có thức ăn đầy đường ruột tạo thành một đường màu nâu nằm dọc theo sống lưng, đốt bụng dài, không có vật bẩn bám, các phụ bộ không bị dị tật, có khả năng bơi ngược dòng, phản ứng nhanh lẹ. Để đảm bảo chắc chắn, cần mang 100 - 200 con tôm giống đi xét nghiệm bằng phương pháp PCR để xác định tôm có ủ mầm bệnh đốm trắng, đầu vàng, Taura, hoại tử gan, tụy hay không, để chọn được con giống sạch bệnh. Trước khi thả giống, cần điều chỉnh các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi cho thích hợp mới tiến hành thả, thời gian thả giống thích hợp nhất lúc sáng sớm hoặc chiều tối, để tránh gây sốc nhiệt cho tôm.

Quản lý thức ăn

Để tôm phát triển tốt, người nuôi cần sử dụng thức ăn đúng cách - Thức ăn không mang mầm bệnh, được bảo quản tốt, không bị vón, nấm, mốc; cho tôm ăn đúng khẩu phần. Bên cạnh đó, cần tăng sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung vitamin, khoáng chất, vi lượng. Lưu ý, khi tôm mới thả, không nên sử dụng thịt giáp xác, cá băm nhỏ trộn với thức ăn để cho tôm ăn, vì đây có thể là nguyên nhân truyền bệnh cho tôm. Đặc biệt, thường xuyên kiểm tra việc sử dụng thức ăn của tôm; nếu tôm ăn nhiều hơn một cách bất thường hoặc giảm ăn thì cần báo ngay cho các cán bộ khuyến ngư, thú y tại địa phương, nhằm xác định nguyên nhân và xử lý kịp thời.

Quản lý thuốc, hóa chất

Việc sử dụng thuốc, hóa chất cải tạo môi trường ao nuôi, trị bệnh cho tôm là tất yếu và cần thiết, nhưng nếu không đúng cách sẽ không hiệu quả, hơn nữa có thể gây hậu quả không đáng có. Cần tuân thủ 5 nguyên tắc khi sử dụng thuốc, hóa chất phòng trị bệnh tôm: Đúng bệnh, đúng thuốc, đúng liều, đúng lúc, đúng cách. Khi phát hiện tôm bị bệnh, dựa vào kết quả kiểm tra tại phòng xét nghiệm hoặc từ cán bộ kỹ thuật, người nuôi phải xác định bệnh tôm, tác nhân gây bệnh để lựa chọn loại thuốc, hóa chất cần sử dụng; đồng thời cần tìm hiểu phương pháp sử dụng thích hợp và những lưu ý khi sử dụng loại thuốc, hóa chất đó. Bước tiếp theo, người nuôi cần phải xác định liều lượng sử dụng đối với từng bệnh, trường hợp bệnh nhẹ thì dùng liều thấp, bệnh nặng thì dùng liều cao hơn. Phải xem liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất và cần kết hợp với tình hình thực tế nước ao, diễn biến thời tiết, để xác định liều dùng tốt nhất. Phải chọn thời điểm dùng thuốc hiệu quả nhất, tức là thời điểm thuốc phát huy tác dụng cao nhất và mầm bệnh bị tiêu diệt nhiều nhất; đồng thời phải chú ý thời điểm tôm khỏe nhất, môi trường ao nuôi ổn định nhất.

>> Người nuôi tôm cần phối hợp chặt chẽ với cán bộ khuyến ngư, thú y địa phương và cơ quan chức năng hữu quan khác, để có kỹ thuật phòng bệnh cho tôm hiệu quả nhất.
 

Theo Thủy sản Việt Nam
 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: