Hạn chế rủi ro trong nuôi tôm nước lợ mùa nắng nóng

Friday,
19/04/2019
0

Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do nắng nóng gây ra, người nuôi tôm cần phải chú ý thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật.

Chuẩn bị ao

Trước hết, bà con nuôi tôm phải có ao lắng chiếm 15 - 20% diện tích trại nuôi tôm để xử lý nước cấp và diệt tạp trước khi đưa vào hồ nuôi, đồng thời đây cũng là nguồn nước dự trữ để bù đắp vào ao tôm khi mực nước trong ao bị cạn do nước bị bốc hơi khi nắng nóng. Theo kinh nghiệm, một số bà con không sử dụng hóa chất để xử lý nước mà thả nuôi cá rô phi trong ao lắng ít nhất 15 - 20 ngày trước khi bơm nước vào ao nuôi. Trong khâu cải tạo ao nuôi, bờ ao cần phải được dầm nén kỹ hoặc lót bạt để chống xoáy lở và hạn chế rò rỉ nước. Bà con cũng cần chú ý phải chuẩn bị sẵn máy bơm nước để sử dụng khi cần thiết. Trang bị đầy đủ dụng cụ đo môi trường: pH, oxy, NH3, NO3, độ mặn…
Khi cấp nước từ ao lắng qua ao nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh cũng cần phải cho qua nhiều lớp túi lọc bằng vải dày đến khi mực nước đạt từ 1,3 - 1,5 m; mực nước trong ao tôm quảng canh cải tiến cần đạt 0,4 - 0,6 m.
Trong quá trình nuôi luôn giữ mực nước trên ao nuôi tôm quảng canh từ 0,3 m trở lên; trong ao tôm thâm canh và bán thâm canh từ 1 m trở lên để môi trường ao tôm ít biến động theo sự thay đổi của thời tiết, nhằm tránh trường hợp tôm bị sốc, giảm rủi ro dịch bệnh.
Vào những ngày nắng nóng cần chú ý tăng cường thời gian chạy quạt hoặc bố trí thêm hệ thống quạt cho ao nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh. Khi nhiệt độ nước ao tôm tăng lên trên 340C cần giảm thức ăn, bổ sung vitamin C vào thức ăn, tăng thời gian chạy quạt nước hay sục khí.

Quản lý ao nuôi
Khi bước vào mùa nắng, các yếu tố môi trường nước ao tôm thường biến động nên bà con nuôi tôm cần thường xuyên kiểm tra các thông số môi trường ao tôm và theo dõi hoạt động của tôm để có biện pháp xử lý kịp thời. Bởi khi nhiệt độ nước quá cao (trên 320C), tôm sẽ ít hoạt động, ngừng ăn, vùi mình xuống bùn, do đó tôm rất dễ bị bệnh đóng rong, đen mang.
Trong những thời điểm nắng nóng, có sự chênh lệch rất lớn giữa nhiệt độ không khí với nhiệt độ môi trường nước nên lúc này người nuôi tôm tránh thực hiện những động tác gây sốc hoặc làm động tôm như: chài, mò bắt…, bởi khi đó tôm sẽ búng, nhảy lên mặt nước làm cong thân, gây ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của tôm.
Cần cấp nước từ ao lắng vào ao tôm để bù vào lượng nước đã bốc hơi vào mùa nắng, bởi khi mực nước trong ao tôm thấp thì độ mặn thường tăng cao, độ trong thấp, rong tảo phát triển nhiều, pH dao động trong ngày lớn, oxy giảm thấp vào ban đêm… dẫn đến tôm khó lột xác, chậm lớn, bị đỏ thân do thiếu oxy… Khi cấp nước vào ao nuôi cần cấp từ từ, chỉ cấp thêm khoảng 10 - 15% lượng nước trong ao vào lúc trời mát (khoảng sau 19 giờ tối) để hạn chế sự thay đổi môi trường; nước cấp chỉ sử dụng từ nguồn ao lắng đã qua xử lý. Đồng thời, người nuôi tôm cũng nên sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ để ổn định môi trường, hạn chế khí độc trong ao nuôi.
Mặc dù mùa nắng nhưng đôi khi cũng xuất hiện những trận mưa trái mùa làm môi trường nước biến động mạnh. Do đó, bà con nuôi tôm cần theo dõi, quản lý ao nuôi để có những biện pháp xử lý thích hợp đề phòng tôm bị sốc, ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi. Bà con nuôi tôm nên thả giống với mật độ vừa phải (15 - 30 con/m2 đối với tôm sú; 80 - 100 con/m2 đối với tôm thẻ).
Vào thời điểm trời nắng nóng kéo dài, độ mặn nước trong ao thường ở mức cao từ 35 - 40‰, trong khi phần lớn nước trong các ao tôm giống chỉ có độ mặn 25 - 28‰. Nếu thả ngay tôm giống vào ao nuôi thì tôm nuôi có thể bị sốc độ mặn dẫn đến bị hao hụt rất cao, thậm chí đến 100%. Do đó, khi thả tôm giống trong thời điểm này cần phải thuần hóa độ mặn tôm giống từ từ để tương đồng với độ mặn của ao nuôi. 

Nguồn: Tổng hợp
 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: