Hạn chế tác động nhiệt độ đến tôm nuôi

Tuesday,
11/06/2019
0

Nhiệt độ là một trong những yếu tố môi trường tác động nhiều đến đời sống của tôm. Bởi vậy, thực hiện tốt giải pháp để ổn định nhiệt độ ao nuôi sẽ giúp tôm phát triển tốt hơn.

Ảnh hưởng

Tôm thuộc loài máu lạnh nên nhiệt độ cơ thể tôm thay đổi theo nhiệt độ môi trường.

Nhiệt độ ao nuôi ảnh hưởng tới nhiều phương diện trong đời sống của tôm: khả năng sinh trưởng và phát triển (hô hấp, tiêu thụ thức ăn, đồng hoá thức ăn..) khả năng miễn dịch của tôm đối với mầm bệnh. Nhiệt độ tối ưu trong nuôi tôm sú 28 - 300C, nhiệt độ thích hợp cho tôm thẻ chân trắng là 25 - 300C.

Tôm sú có thể chịu được nhiệt độ 28°C nhưng tôm phát triển tương đối chậm, trên 30°C tôm phát triển nhanh hơn nhưng rất dễ mắc bệnh, nhất là bệnh còi ( MBV). Trong ao nuôi, nhiệt độ không nên thay đổi đột ngột, trong ngày nếu biến động nhiệt độ hơn 3 - 50C sẽ làm cho tôm giảm ăn. Nếu nhiệt độ thấp hơn 250C, tôm sẽ giảm hoặc ngừng ăn, từ đó tôm có khả năng lớn chậm hoặc không lớn. Tôm thẻ chân trắng phát triển nhanh nhất ở nhiệt độ 270C.

 

Quản lý

Mùa nắng: Để hạn chế nhiệt độ trong ao quá cao, cần gây màu nước ở dạng màu vàng nâu (màu trà) giữ độ trong không quá 35 cm. Chạy quạt và ôxy đáy để hạn chế sự phân tầng nhiệt độ, có thể sử dụng hệ thống lưới che để hạn chế ánh nắng mặt trời. Khi nhiệt độ nước ao cao trên 300C (thường vào buổi trưa) tôm sẽ ăn rất mạnh và đi phân nhanh nên không thể hấp thu hết dinh dưỡng. Do đó, cần hạn chế tăng nhanh lượng thức ăn vào lúc này do tôm ăn nhiều nhưng hấp thu ít, gây ô nhiễm nước. Tăng cường xi phông sau khi cho ăn khoảng 15 - 20 phút ở các lần cho ăn.

Mùa mưa: Nước mưa sẽ làm giảm nhiệt độ nước, giảm ôxy, gây biến động pH, kiềm ở tầng mặt, do đó cần chạy quạt liên tục để tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ, ôxy… Có thể lắp hệ thống ống rút nước tầng mặt khi mưa lớn để giảm hiện tượng phân tầng và biến động các yếu tố môi trường do nước mưa. Ngoài ra, cần ngừng cho ăn khi mưa lớn vì tôm ăn ít hoặc không ăn vào lúc này, nếu cho ăn sẽ làm dư thừa thức ăn, gây ô nhiễm nước. Bón vôi xung quanh bờ đối với ao đất và bón vôi xuống ao đối với ao bạt để hạn chế sự biến động của pH ao nuôi.

Mùa lạnh: Nhiệt độ nước ao thường ở mức thấp, tôm nuôi thời điểm này thường ăn ít, chậm lớn. Vì vậy, người nuôi phải luôn chạy quạt, ôxy đáy để tránh sự phân tầng nhiệt độ. Đặc biệt là khi có mưa, kiểm soát chặt chẽ thức ăn do tôm ăn ít hoặc bỏ ăn để tránh ô nhiễm môi trường. Có thể bổ sung vôi nóng để tăng nhiệt độ nước, chú ý đến pH và độ kiềm khi bổ sung.

Ngoài ra, dù ở mùa vụ nào, trong quá trình nuôi cần phải thường xuyên theo dõi, cho tôm ăn lượng thức ăn phù hợp, tránh dư thừa. Khi nhiệt độ xuống thấp, tùy vào khả năng bắt mồi mà điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp lý. Bên cạnh đó, cần sử dụng thiết bị đo nhiệt độ hàng ngày cho ao nuôi để có những điều chỉnh phù hợp.

Nguồn: Con tôm

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: