Hiệu quả của mô hình tôm - lúa

Tuesday,
13/02/2018
0

Mô hình hình này được người dân tại tỉnh Bạc Liêu triển khai rất thành công, cho thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.


Hiệu quả

Mô hình tôm - lúa tại Bạc Liêu được canh tác theo hai hình thức: luân canh tôm sú - lúa (từ tháng 2 đến 7 nuôi tôm sú và từ tháng 8 đến 12 sản xuất lúa, trong thời gian này, với những diện tích có điều kiện, nông dân thả tôm càng xanh được dèo trước 1 - 1,5 tháng, sau đó bung vào ao nuôi). Đây được xem là mô hình sản xuất bền vững với nhiều ưu điểm như cải thiện nền đáy, môi trường, hạn chế mầm bệnh. Nuôi tôm sau vụ lúa sẽ giúp nền đáy ao được khoáng hóa, giảm thiểu các chất độc trong ao tôm, hạn chế được tình trạng vùng nuôi tôm bị lão hóa do đất ngập mặn lâu dài, cắt mầm bệnh trên tôm, môi trường ao nuôi ổn định, nên trong vụ tôm không cần sử dụng nhiều loại thuốc, hóa chất để phòng trị bệnh, do vậy giảm được chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận.

Diện tích tôm - lúa tại Bạc Liêu gia tăng từ 5.851 ha năm 2001 lên 29.607 ha năm 2014. Năm 2015, diện tích tôm - lúa có thể đạt 30.500 ha, dự kiến đến năm 2020 là 40.000 ha và 43.000 ha vào năm 2030, chủ yếu tập trung ở vùng bắc quốc lộ 1A gồm huyện Hồng Dân, Phước Long và một phần huyện Giá Rai.

Nhiều năm qua, mô hình này đã khẳng định hiệu quả kinh tế: Đối với hình thức nuôi tôm sú - lúa, diện tích trung bình 1 - 2,5 ha, mật độ 2 - 3 con/m2, năng suất bình quân tôm sú 0,35 - 0,4 tấn/ha/vụ, chi phí sản xuất 30 - 35 triệu đồng/ha, mỗi hộ lãi 40 - 60 triệu đồng/ha/năm (cả tôm và lúa); Đối với hình thức nuôi tôm càng xanh - lúa, diện tích trung bình 1 - 3 ha, mật độ thả tôm càng xanh trung bình 0,5 - 1 con/m2, năng suất tôm 0,09 - 0,1 tấn/ha. Mỗi hộ trung bình lãi 20 - 40 triệu đồng/ha/năm (tôm càng xanh lãi 10 - 15 triệu đồng/ha).

http://www.thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/nuoitrong/z300-Thuy-san-Viet-Nam4381-.jpg

Thu hoạch tôm càng xanh ở Bạc Liêu - Ảnh: Phan Thanh Cường

 

Giải pháp kỹ thuật

Do đặc thù của vùng sản xuất chịu ảnh hưởng bởi sự điều tiết nước của các cống đầu mối và chất đất giữ nước kém (qua khảo sát thực tế, khoảng 4 ngày mức nước trong vuông mất khoảng 20 cm là thời điểm thích hợp cho bơm tiếp lần sau) nên khuyến cáo nông dân phải gia cố bờ bao bằng cơ giới để chống thất thoát nước, mở rộng diện tích mương bao (tối thiểu 5 m), mức nước mặt trảng vuông nuôi phải đạt 0,5 - 0,8m, độ sâu mương đạt tối thiểu 1,2 m tạo không gian rộng cho tôm hoạt động.

Lưu ý: Khuyến cáo khi thiết kế công trình ao nuôi nên dành một phần đất để bố trí ao dèo sử dụng dèo tôm trước khi thả ra vuông nuôi và làm nơi cấp nước cho vuông khi cần thiết; nếu trường hợp diện tích đất quá hẹp, các hộ nuôi lân cận có thể liên kết với nhau bố trí ao dèo theo khuyến cáo.

Chuẩn bị ao nuôi: Nên sử dụng máy cày, xới mặt trảng, sên vét bùn đáy mương bao và sử dụng vôi CaO hoặc CaCO3 trong cải tạo. Trong quá trình nuôi, sử dụng định kỳ vôi CaCO3 hoặc Dolomite để ổn định các yếu tố môi trường (pH, độ kiềm...) trong vuông nuôi.

Lượng vôi bón khi cải tạo 100 - 150 kg/1.000 m2. Lượng bón trong quá trình nuôi, tùy tình hình thực tế khi kiểm tra các yếu tố môi trường có thể bổ sung định kỳ 10 - 20 kg/1.000 m2.

Không dùng các loại hóa chất, chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản không rõ nguồn gốc, không ghi nhãn hàng hóa, không có chỉ dẫn về thời gian tiêu hủy, không sử dụng thuốc trừ sâu vào mục đích nuôi trồng thủy sản.

Chọn giống: Tuân thủ nguyên tắc kết hợp 2 phương pháp trong chọn giống. Dùng phương pháp cảm quan và sốc formol hoặc sốc độ mặn để tuyển giống. Lấy mẫu giống đã tuyển, xét nghiệm bệnh bằng phương pháp PCR sạch bệnh trước khi thả nuôi. Nên áp dụng phương pháp dèo cho tôm đạt 15 - 45 ngày tuổi mới thả ra vuông nuôi nhằm giảm tỷ lệ hao hụt, kiểm soát được tỷ lệ sống trong quá trình nuôi. Mật độ thả: không quá 3 con/m2.

Quản lý, chăm sóc ao nuôi: Nhằm hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh, người nuôi cần chủ động khâu chăm sóc, quản lý ao nuôi định kỳ, thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường cơ bản như pH, độ kiềm, độ mặn, khí độc… sớm phát hiện các biểu hiện khác thường, vượt ngưỡng cho phép để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp; định kỳ sử dụng vi sinh 10 - 15 ngày/lần để phân hủy mùn bả hữu cơ nơi đáy vuông nuôi, tạo môi trường thông thoáng, ổn định, thuận lợi để tôm phát triển.

Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi không để nước trong vuông nuôi cạn hơn mức khuyến cáo (sử dụng nguồn nước dự trữ tại các ao dèo để bổ sung khi cần thiết); thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe, tỷ lệ sống của tôm để kịp thời bổ sung thức ăn (lượng thức ăn 3 - 5% trọng lượng thân).

Thủy sản Việt Nam

 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: