Hiện nay, nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đang ngày càng phát triển mạnh với diện tích thả nuôi 350 ha/năm. Nhiều mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao được người dân đầu tư áp dụng, nhằm quản lý và kiểm soát tốt các yếu tố môi trường, dịch bệnh, nâng cao năng suất.
Hệ thống nuôi tôm công nghiệp bằng bể tròn khung sắt tại xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa) mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh trong bể tròn khung sắt được anh Vũ Văn Phòng, xã Đa Lộc (Hậu Lộc ) thực hiện đạt được hiệu quả kinh tế cao. Năm 2018, qua tìm hiểu thông tin và học hỏi kinh nghiệm ở các tỉnh miền Nam, anh Phòng đã đầu tư xây dựng trên diện tích 2 ha của gia đình để nuôi tôm thẻ thâm canh trong bể tròn khung sắt. Hệ thống nuôi bao gồm 6 bể nuôi với diện tích 400m2/bể, các bể được thiết kế hình tròn khung sắt có lót bạt xung quanh và hệ thống ôxy, lưới bao quanh cùng thiết bị hỗ trợ khác. Quá trình nuôi và thu hoạch qua 2 đợt nuôi, mỗi đợt nuôi từ 115 - 120 ngày, tỷ lệ tôm sống đạt 90 - 95%, năng suất 4 đến 5 tấn/bể, trọng lượng bình quân tôm thu hoạch 26,5 - 28 con/kg, lợi nhuận đạt 500 triệu đồng/đợt nuôi. Việc nuôi tôm thẻ thâm canh trong bể thuận lợi trong việc chăm sóc, quản lý tôm nuôi, chủ động kiểm soát các yếu tố môi trường nuôi, các chỉ tiêu môi trường luôn duy trì ổn định; sử dụng vi sinh định kỳ trong suốt quá trình nuôi nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và tôm nuôi phát triển tốt; lắp ráp bể nuôi nhanh, chủ động khi di dời; dễ thu gom chất thải... Hiện anh đang tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện thêm 20 bể nuôi và ứng dụng công nghệ vào nuôi tôm công nghiệp.
Trên địa bàn xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa) đã có một số hộ đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng khoa học công nghệ cao, bằng hình thức bể nổi khung sắt và lót bạt xung quanh. Qua thực tế bước đầu cho thấy, việc nuôi tôm công nghiệp đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng khoa học - kỹ thuật công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 – 2,5 lần so với nuôi thâm canh cải tiến. Đi tiên phong trong việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất tôm công nghiệp là gia đình anh Cao Văn Long và anh Trương Văn Toàn với hàng chục tỷ đồng. Anh Cao Văn Long cho biết: Qua đầu tư xây dựng 12 bể nuôi có diện tích từ 300 - 400m2/bể, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng hơn 10 tỷ đồng. Hiện lứa tôm công nghệ cao đầu tiên đang sinh trưởng, phát triển tốt.
Ngoài ra, trên địa bàn các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương... nhiều tổ chức, cá nhân đã đầu tư xây dựng mô hình nuôi tôm trong nhà lưới cho hiệu quả kinh tế cao. Đây là hình thức bao phủ các ao nuôi, lót bạt đáy ao, lắp hệ thống quạt ôxy đáy... Toàn bộ ao nuôi tôm đều thiết kế kiểu ao nổi. Mô hình nuôi khép kín nên có thể thả tôm nuôi thâm canh với mật độ dày, trung bình từ 200-290 con/m2, sau khoảng 100 ngày thả nuôi có thể thu hoạch, tôm đạt kích cỡ 35-40 con/kg. Bên cạnh đó, mô hình còn ứng dụng công nghệ vi sinh và không sử dụng chất kháng sinh nên tôm nguyên liệu sau khi thu hoạch sẽ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong quá trình nuôi, người nuôi còn chủ động kiểm soát nhiệt độ, môi trường nuôi, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động bất lợi ngoài môi trường tự nhiên trong điều kiện nhiệt độ trong ao thay đổi nhanh.
Đây là những hình thức nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, thông qua các mô hình này sẽ góp phần giúp người nuôi tôm có thêm nhiều lựa chọn để ứng dụng rộng rãi vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển nuôi tôm theo hướng công nghiệp, bền vững.
Nguồn: Báo Thanh Hóa