“Hóa giải” hội chứng tôm chết sớm?

Thursday,
08/02/2018
0

Hội chứng tôm chết sớm (EMS) hay Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính ở tôm nuôi (AHPNS) đã và đang đặt ngành tôm châu Á trước chuỗi ngày đen tối.

Tuy nhiên, đầu tháng 5/2013, Liên minh Thủy sản toàn cầu (GAA) thông báo rằng, Tiến sĩ Donald Lighter, nhà nghiên cứu bệnh học của Trường Đại học Arizona (Mỹ) đã tìm ra nguyên nhân của EMS, mở ra hy vọng tìm biện pháp dài hạn để khắc phục dịch bệnh tiêu tốn của ngành tôm nuôi thế giới hàng tỷ USD mỗi năm này.

Nỗi ám ảnh của nhiều quốc gia

EMS được phát hiện đầu tiên tại vùng nuôi tôm đảo Hải Nam, Trung Quốc năm 2009, sau đó lan sang Việt Nam, Malaysia và Thái Lan, gây tổn thất hơn 1 tỷ USD mỗi năm. Dịch bệnh EMS thường bùng phát trong vòng 30 ngày sau khi thả giống, tỷ lệ tôm chết có thể vượt quá 70%.

Tại Việt Nam, EMS bắt đầu xuất hiện từ năm 2010 và bùng phát mạnh từ tháng 3/2011, gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm. Năm 2012, Việt Nam có trên 100.776 ha tôm nước lợ bị thiệt hại về dịch bệnh, bao gồm các bệnh hội chứng gan tụy cấp tính, đốm trắng, đầu vàng...

Còn tại Malaysia, EMS được bắt đầu báo cáo vào năm 2010. Ngành nuôi tôm Thái Lan cũng bắt đầu phải chịu đựng ảnh hưởng của EMS từ năm 2012. Đến nay, hầu hết các trang trại trong vùng nuôi tôm rộng lớn ở miền đông Thái Lan đều bị thiệt hại do ảnh hưởng của EMS. Trong cuối năm 2012 và đầu năm 2013, đỉnh điểm có đến 80 - 90% diện tích ao nuôi ở khu vực này phải ngừng sản xuất.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan, Boonsong Teriyapirom cho biết, xuất khẩu tôm của Thái Lan trong quý I/2013 giảm nhẹ và chắc chắn tình hình trong quý II/2013 sẽ còn xấu hơn vì nguồn cung tiếp tục giảm do EMS.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Đông lạnh Thái Lan (TFFA), Pote Aramwattananond, quý I/2013, xuất khẩu tôm của Thái Lan giảm 20 - 30%, tương đương 673 triệu USD đến 1 tỷ USD do đồng baht tăng giá và EMS bùng phát tại các trại nuôi tôm. Sản lượng tôm của Thái Lan trong 3 tháng đầu năm 2013 cũng chỉ đạt 57.000 tấn, giảm mạnh so với mức trung bình 100.000 tấn hàng quý trước đó. Do đó, xuất khẩu tôm của nước này sang Mỹ trong thời gian này cũng chỉ đạt 23.806 tấn, giảm 21,5% so với 30.316 tấn cùng kỳ năm ngoái.

Nếu không được Chính phủ hỗ trợ hỗ trợ tài chính và cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho người nuôi tôm, sản lượng tôm trong quý 2/2013 của Thái Lan có thể chỉ đạt dưới 60.000 tấn và tổng sản lượng cả năm có thể chưa đến 400.000 tấn, Pote Aramwattananond cho biết thêm.

Nhiều nước ngừng nhập khẩu

Đến nay, EMS đã ảnh hưởng đến nhiều trang trại và khu vực nuôi tôm ở châu Á bao gồm các nước có ngành công nghiệp nuôi tôm lớn như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam.

Các quốc gia khác như Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh đang được hưởng lợi từ việc tăng giá tôm do thiếu hụt nguồn cung từ các nước cạnh tranh trực tiếp khác và đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của EMS ảnh hưởng đến ngành nuôi tôm trong nước. Đặc biệt, các nước châu Mỹ Latinh có ngành nuôi tôm phát triển như Mexico, Ecuador và một số quốc gia khác đang tìm mọi cách để tránh hậu quả của EMS từ các nước châu Á bằng các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ hoặc cấm nhập khẩu tôm từ các nước châu Á.

Đơn cử như giữa tháng 4/2013 vừa qua, Mexico đã ra quyết định ngừng nhập khẩu sản phẩm tôm sú, tôm thẻ chân trắng từ 4 nước châu Á là Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Những ngày đầu tháng 5/2013, Cục Nghề cá và Nguồn lợi Thủy sản Philippines (BFAR) cũng đã đưa ra quyết định cấm nhập khẩu vô thời hạn đối với tôm tươi sống, động vật giáp xác từ một số nước châu Á.

Một trong những lý do chính để cả Mexico và Philippines ban hành quyết định này là do lo ngại Hội chứng EMS sẽ lây sang, làm ảnh hưởng đến ngành công nghiệp chế biến tôm nuôi trong nước.

Đã tìm ra nguyên nhân

Sau nhiều tháng điều tra nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học do Tiến sỹ Donald Lightner lãnh đạo đã phát hiện nguyên nhân gây ra EMS/AHPNS là do các vi khuẩn lây truyền qua đường miệng, tập trung ở đường ruột của tôm, sản sinh ra độc tố phá hủy các mô và gây rối loạn chức năng các cơ quan tiêu hóa như gan, tụy. Tuy nhiên, loại vi khuẩn này không ảnh hưởng đến con người.

Nhóm nghiên cứu cho biết, mầm bệnh EMS/AHPNS là một chủng khác lạ của vi khuẩn khá phổ biến là Vibrio parahaemolyticus do thực khuẩn thể truyền bệnh làm sản sinh một loại độc tố mạnh. Hiện tượng này cũng tương tự như dịch tả ở người, khi các thực khuẩn thể tạo điều kiện cho vi khuẩn Vibrio cholerae sản sinh độc tố gây nên triệu chứng tiêu chảy đe dọa đến tính mạng ở người.

Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục tập trung tìm kiếm phương pháp chẩn đoán nhằm phát hiện sớm mầm bệnh EMS/AHPNS một cách nhanh chóng, giúp quản lý tốt hơn các trại giống, ao nuôi và đưa ra giải pháp dài hạn đối với dịch bệnh này. Các nghiên cứu cũng sẽ giúp đánh giá chính xác hơn các nguy cơ liên quan đến việc nhập khẩu tôm đông lạnh hoặc các sản phẩm khác từ các nước có dịch bệnh EMS.

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: