Hóa giải khó khăn nuôi tôm vụ nghịch

Friday,
09/02/2018
0

Nuôi tôm vụ nghịch là đề tài “nóng” trong nhiều năm qua, bởi lợi nhuận nó mang lại tương đối cao và được coi là cứu vãn của nhiều người nuôi tôm nhờ giá tăng. Nhưng thực tế số hộ thành công rất ít.

Nhiều hạn chế

Tôm là loài khó nuôi, nhạy cảm thời tiết, nên sự thay đổi thời tiết, nguồn nước cuối năm là thử thách lớn đối với tôm. Bởi thời điểm này khí hậu nóng lạnh bất thường, chưa kể con giống không đảm bảo, dẫn đến tôm chết nhiều.

Theo khảo sát, nuôi trái vụ tỷ lệ tôm chết 30 - 40%, cao hơn cả các đợt dịch bệnh tôm chết sớm hoành hành. Thậm chí một số nơi tôm nuôi trái vụ bị dịch bệnh chết chiếm hơn 50%. Một số rất nhỏ các hộ thu được lợi nhuận không đáng kể, trong khi đó có những vùng ở Tiền Giang hơn 70% số hộ nuôi tôm nghịch vụ thất bại. Một số thông tin còn cho rằng tỷ lệ thất bại trong nuôi tôm trái vụ còn cao hơn số đó, do nhiều hộ không báo cáo thiệt hại.

http://www.thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/nuoitrong/z300-con-tom-694-.jpg

Nuôi tôm vụ nghịch bán được giá cao nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro
 

Các chủ đầu nậu thu gom sản phẩm thường hứa hẹn mức giá hấp dẫn, nhưng thực tế chẳng biết họ mua ra sao, vì dân không có tôm để bán. Mặt khác, mấy năm qua, nguồn cung tôm trên thế giới không hiếm nên số lãi trong nuôi tôm trái cũng bấp bênh, trong khi độ rủi ro lại cao.

Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương chỉ nên thả nuôi tôm từ đầu tháng 2 đến hết tháng 9 dương lịch trong năm để hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro trong nuôi tôm. Đây là chủ trương phù hợp, được các địa phương ủng hộ.

Việc ngắt mùa, cho đất đai nghỉ ngơi, để vệ sinh ao đầm, tái tạo nguồn nước là cần thiết. Các nhà khoa học khẳng định đất thường xuyên ngập mặn sẽ làm thay đổi tính chất lý và hóa học. Hơn nữa, việc nuôi tôm trái vụ diễn ra không phổ biến, nhưng do bình địa thấp, nên các hộ nuôi bị dịch bệnh lại xả thải ra hệ thống kênh tiêu thoát nước và vô tình ảnh hưởng đến vùng khác. Mầm bệnh không được xử lý triệt để nên đến vụ nuôi mới lại tái phát.

Cần chế tài hợp lý

Hằng năm, dù được khuyến cáo nhưng vẫn có nhiều hộ thả nuôi trái vụ, nhất là khi họ được sự “tiếp sức” của các chủ trại tôm giống và thức ăn. Kết quả là thất bại chồng thất bại và nợ chồng nợ. Lệnh cấm cứ ban ra, người nuôi vẫn cứ nuôi. Trong cơ chế thị trường, ngoại trừ việc nuôi tôm ảnh hưởng đến môi trường, người dân vẫn có quyền nuôi tôm theo ý mình. Vấn đề ở chỗ các cơ quan chuyên môn cần nói rõ những hậu quả của việc nuôi tôm trái vụ để lại cho cộng đồng. Việc tái diễn nuôi tôm trái vụ vô tình làm dịch bệnh lây lan và việc “cắt” dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu tôm trong dịp Tết, cuối năm luôn tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, có thể cần đến những nghiên cứu, mô hình nuôi tôm trái vụ hợp lý, hiệu quả, không lây lan dịch bệnh. Mặt khác, vấn đề con giống, thức ăn, việc xử lý, đối phó thế nào với sự thay đổi nhiệt độ vào cuối năm, nguồn nước và hệ thống xử lý nước thải ra sao..., là những vấn đề cần ưu tiên cho mô hình nuôi tôm nghịch vụ. Nhưngtrên hết việc quản lý, quy hoạch đối với nuôi tôm nghịch vụ vẫn cần thiết, vì hiệu quả kinh tế không phải lúc nào cũng như kỳ vọng của người nuôi.

>> Người nuôi tôm biết sẽ rủi ro nếu nuôi trái vụ, nhưng họ vẫn mạo hiểm bởi hy vọng thị trường tôm trong nước dịp Tết được giá, có thể trang trải được những khoản chi tiêu cuối năm, đặc biệt với những hộ làm ăn thất bát. Có thể coi như đấy là niềm hi vọng cuối cùng, đánh bạc với thiên nhiên.


Thủy sản Việt Nam
 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: