Ngày 22/5/2015 tại Bạc Liêu, dưới sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản phối hợp với Tạp chí Thủy sản Việt Nam tổ chức Hội thảo“Quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL đến năm 2020, định hướng năm 2030”. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản Nguyễn Thanh Tùng cùng chủ trì Hội thảo.
Nuôi tôm nước lợ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện tập trung tại 8 tỉnh ven biển gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau với hai đối tượng chính là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Những năm qua, nuôi tôm nước lợ, ngoài việc đóng góp vào tăng kim ngạch xuất khẩu, còn tạo công ăn việc làm cho người dân, đặc biệt đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội cho các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, phát triển nuôi tôm nước lợ còn gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác quy hoạch.
Theo Dự thảo Quy hoạch, diện tích nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 608.501 ha, sản lượng đạt 747.895 tấn; Và đến năm 2030, diện tích sẽ đạt 626.727 ha; sản lượng 952.118 tấn.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã bàn về những vấn đề phát triển tôm nước lợ trong thời gian qua, về nguồn lực và khả năng thúc đẩy phát triển nuôi tôm nước lợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó góp phần nuôi tôm nước lợ theo hướng hiệu quả, bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ trong nước và chế biến xuất khẩu, tạo thêm việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Hội thảo đã đưa ra các giải pháp cho việc phát triển nuôi tôm nước lợ trong điều kiện ít được thuận lợi; phát triển nuôi tôm nước lợ trong điều kiện thuận lợi; quy hoạch cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần…Nhiều nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đến từ các viện, trường cho rằng: khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn tiềm năng rất lớn để phát triển nuôi tôm nước lợ nhưng thời gian qua thiếu quy hoạch cụ thể, thiếu cơ chế chính sách để phát triển lĩnh vực này; chưa có các giải pháp về khoa học công nghệ, khuyến ngư và hợp tác quốc tế; thị trường và xúc tiến thương mại…
Có ý kiến cho rằng, hiện nay chất lượng nguồn nước phục vụ nuôi tôm nước lợ khu vực ven biển Đồng bằng sông Cửu Long bị ô nhiễm hữu cơ và một số chất có hại khác tại các khu vực cống điều tiết nước mặn. Việc ô nhiễm này có khả năng gây bệnh cho tôm nên cần có công trình nghiên cứu đánh giá về hiện trạng môi trường nước cho khu vực nuôi tôm nước lợ bởi chất lượng nước có những tác động rất lớn đến quá trình phát triển của tôm. Xung quanh về nguồn giống và chất lượng tôm giống, giá tôm giống, có đại biểu đề nghị: nên xây dựng các vùng sản xuất tôm giống đạt chất lượng cao với số lượng lớn để cung cấp cho vùng nuôi tôm nước lợ, nhất là tôm thẻ chân trắng; thực hiện việc bán tôm giống trực tiếp từ công ty cho người nuôi tôm để đảm bảo nguồn gốc tôm và giá cả có lợi cho người nuôi tôm. Nhiều đại biểu cũng đã có ý kiến xung quanh việc chuyển một phần diện tích nuôi tôm nước lợ quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh theo quy mô công nghiệp ở những nơi có điều kiện thuận lợi; hệ thống xử lý đất; xây dựng hệ thống thủy lợi dành riêng cho nuôi trồng thủy sản.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, ngành nuôi tôm nước lợ chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế ngành thủy sản Việt Nam hơn 10 năm qua. Mặc dù tăng trưởng các chỉ tiêu kinh tế ngành tôm năm sau luôn cao hơn năm trước nhưng chất lượng tăng trưởng còn hạn chế ở nhiều mặt. Do vậy “xây dựng quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL đến năm 2020, định hướng năm 2030” là cần thiết và cấp bách, nhằm cơ cấu và tổ chức lại sản xuất một cách hợp lý, xác định được những bước đi và giải pháp phù hợp để chủ động trong tận dụng lợi thế, cơ hội. Đồng thời giải quyết được các khó khăn, thách thức trong giai đoạn tới, đưa ngành tôm tiếp tục phát triển ổn định, bền vững chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Huy Điền nhận định: ĐBSCL chiếm diện tích nuôi tôm nước lợ lớn nhất cả nước, là nơi cung cấp tôm chính cho thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm hiện đang phải đối diện với nhiều thách thức về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường… Nguyên nhân thì có nhiều nhưng nổi bật nhất vẫn là do chất lượng con giống còn thấp, công tác quản lý môi trường, dịch bệnh trong nuôi tôm nhiều hạn chế, tình trạng nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch diễn ra ở khắp các địa phương. Đây là những yếu tố khiến nghề nuôi tôm nước lợ ở ĐBSCL phát triển thiếu bền vững. Do vậy, xây dựng quy hoạch nuôi tôm nước lợ ĐSBCL là vấn đề cấp thiết.
Theo Fistenet