Hợp lực ngành tôm

Tuesday,
13/02/2018
0

Vừa qua, tại Bạc Liêu, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã chủ trì hội nghị “Phát triển SX, chế biến và tiêu thụ tôm nước lợ.


http://tomgiongchauphi.com/uploads/news/2015_07/san-xuat-tom.jpg

Hội nghị có sự tham dự của các cơ quan trực thuộc Bộ NN-PTNT, Sở NN-PTNT 28 tỉnh, thành nuôi tôm nước lợ và các DN, chủ trang trại...

Thách thức

Theo Tổng cục Thủy sản, 6 tháng đầu năm 2015 vụ nuôi tôm nước lợ diễn ra trong bối cảnh bất lợi về thời tiết. Nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn sớm hơn cùng kỳ nằm 2014, có lúc nhiệt độ tăng lên 38 độ C, độ mặn trên 32%0, mưa trái mùa, nguồn nước cấp bị ô nhiễm làm cho dịch bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy, đường ruột, phân trắng, vi bào tử trùng... gây chết tôm.

Cục Thú y cho biết, đến ngày 8/7 có hơn 17.300 ha nuôi tôm bị thiệt hại, giảm hơn 15.000 ha (53,3%) so cùng kỳ 2014. Trong đó nuôi thâm canh, bán thâm canh thiệt hại nhiều nhất, chiếm hơn 12.000 ha, nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm - lúa thiệt hại hơn 5.300 ha.

Riêng diện tích tôm bị bệnh giảm, chỉ khoảng 9.000 ha, bằng 40,85% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do biến đổi môi trường, thời tiết và chỉ có gần 1.300 ha không xác định được nguyên nhân.

Bệnh đốm trắng xảy ra trên địa bàn 211 xã thuộc 21 tỉnh, thành với trên 3.800 ha (trong đó tôm thẻ hơn 1.300 ha, tôm sú hơn 2.500 ha), chiếm gần 6% diện tích nuôi tôm của tổng diện tích thả nuôi của các xã có dịch. So với cùng kỳ bệnh đốm trắng có chiều hướng giảm.

Còn bệnh hoại tử gan tụy có chiều hướng tăng. Đến nay có hơn 2.300 nuôi tôm thẻ, hơn 2.300 ha nuôi tôm sú bị nhiễm.

Theo nhận định của Cục Thú y, trong 6 tháng qua, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại và bị bệnh đang có chiều hướng tăng. Dự báo sẽ tăng cao trong các tháng 7, 8 sau đó mới giảm dần.

Trong khi đó, vật tư đầu vào như thức ăn, thuốc thú y thủy sản không giảm, thậm chí một số loại còn tăng giá. Do đó người nuôi tôm chưa mạnh dạn đẩy nhanh tiến độ thả giống, nhất là với hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh. Mặt khác, nguyên nhân sản lượng tôm nguyên liệu trong nước vừa qua sụt giảm còn do yếu tố khó khăn về thị trường. Các nước trong khu vực phục hồi SX, sản lượng tôm vào vụ tăng cao, giảm giá cạnh tranh khiến giá tôm nguyên liệu trong nước giảm 20-30% so với cùng kỳ.

Liên kết vượt khó

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) băn khoăn, tình hình nuôi tôm của hiệp hội chưa bao giờ bi đát như lúc này, bởi môi trường ô nhiễm, dịch bệnh hoành hành. Người nuôi liên tục thất bại, dẫn đến thiếu vốn tái đầu tư.

Trong những tháng đầu năm, có lúc chỉ thả nuôi 20-30% diện tích. Đã có một số thành viên trong hiệp hội “bỏ chạy”. Hơn nữa giá tôm thấp là vấn đề nan giải đối với người nuôi.

“Hiện dịch bệnh tôm quá nhiều, đề nghị các nhà khoa học vào cuộc nhanh chóng nghiên cứu tìm giải pháp. Phải đẩy mạnh tổ chức phát triển SX tập thể. Nên có chính sách hỗ trợ cụ thể cho người dân…” ông Nhiệm đề nghị.

Bà Hồ Thị Kiểng, GĐ Cty TNHH MTV Chế biến thủy hải sản XNK Thiên Phú cho hay, các DN đều cần nguyên liệu sạch. Tuy nhiên người nuôi chỉ muốn mua giống giá thấp, không cần biết tôm giống đến từ đâu, do ai SX và có nhiễm mầm bệnh gì... Do vậy cần có biện pháp để nâng cao ý thức của người nuôi tôm để tạo nguồn nguyên liệu sạch phục vụ XK.

Ông Dương Văn Hùng, GĐ cơ sở SX tôm giống Dương Hùng kêu gọi: "DN chúng ta phải đồng lòng kéo ngành tôm đi lên. Mỗi DN phải hy sinh một ít, cùng nhau gánh vác, cần đưa người dân vào thành lập tổ hợp tác, mời kỹ sư vào dạy cách làm. Bởi nếu người nuôi tôm không tiếp tục SX, DN cũng khó sống. Vừa qua chúng tôi đã chủ động mời người dân các tỉnh lân cận, làm hội thảo suốt 1 tháng để cùng tìm giải pháp khắc phục khó khăn".

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định: "Vừa qua do bị ảnh hưởng bởi tỷ giá đồng tiền dao động tại một số nước nhập khẩu thủy sản; thời tiết không thuận lợi cho nuôi tôm... Tuy nhiên, các nguyên nhân trên chỉ nhất thời, không mang tính nền tảng.

Triển vọng ngành hàng tôm sẽ phục hồi, giá bán sẽ tăng lên, do sắp tới các nước có nhu cầu nhập khẩu nhiều để chuẩn bị cho các dịp lễ cuối năm và sẽ có sự điều chỉnh tỷ giá đồng tiền...". “Các DN giữ vai trò vị trí quan trọng trong phát triển SX, chế biến và tiêu thụ tôm. DN là tiên phong, là chiến sĩ mở rộng thị trường, tìm đầu ra.

Các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ DN. Đề nghị các cơ quan đơn vị chuyên ngành sớm liên hệ với các thị trường đang có vướng mắc, tìm ra nguyên nhân, nhanh chóng khắc phục giải quyết vấn đề; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở đường hỗ trợ cho DN...”, Bộ trưởng Cao Đức Phát.

6 tháng đầu năm, cả nước thả nuôi hơn 616.000 ha tôm, đạt 90% kế hoạch và bằng 96% so cùng kỳ 2014; sản lượng thu hoạch trên 230.900 tấn, chỉ đạt 32,5% kế hoạch và bằng 88% so với cùng kỳ. XK tôm ước đạt 1,3 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ 2014.

Theo Nông Nghiệp Việt Nam
 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: