Huyện Phước Long (Bạc Liêu): Trúng mùa, trúng giá tôm càng xanh

Friday,
09/02/2018
0

Theo báo cáo của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu, năm 2013 diện tích thả nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa trên địa bàn huyện Phước Long là 5.600 ha (tập trung các xã Vĩnh Phú Tây, xã Phước Long, thị trấn Phước Long, xã Phong Thạnh Tây A, xã Phong Thạnh Tây B).

Ngày 10/01/2014, người dân đã bắt tay vào thu hoạch rộ diện tích thả nuôi tôm càng xanh với năng suất từ 130 - 150 kg/ha/vụ. Với giá bán thương phẩm từ 130 - 150 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí nông dân có lợi nhuận từ 15 - 17 triệu đồng/ha/vụ. Đây được xem là vụ tôm càng xanh “trúng mùa, trúng giá”, đa phần nông dân đều lãi cao.

Được thiên nhiên ưu đãi

Qua ghi nhận thực tế, mô hình tôm càng xanh trên ruộng lúa rất phù hợp với điều kiện tự nhiên tại các địa bàn huyện Phước Long, Hồng Dân, một phần huyện Giá Rai. Tôm càng xanh có ưu thế là khi nuôi kết hợp trên đất trồng lúa sẽ tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, giúp sinh trưởng và phát triển tốt. Tôm càng xanh thích hợp sống trong môi trường nước có độ mặn 5 - 7 ‰, phù hợp với điều kiện sinh thái tự nhiên tại các vùng sản xuất nông nghiệp của huyện Phước Long. Tôm càng xanh giống được thả nuôi đa số có nguồn gốc Đại học Cần Thơ với giá từ 170 - 190 đồng/con, kích cở từ 1 - 1,2 cm, tôm được ương gièo từ 1 - 1,5 tháng trước khi thả ra vuông nuôi.

Nông dân thu hoạch tôm càng xanh trên ruộng lúa - Ảnh: Thanh Thiện

Theo ông Nguyễn Hoàng Xuân - Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu: “Đây là mô hình sản xuất cho hiệu quả ổn định, bền vững nên được các ngành, các cấp quan tâm tạo điều kiện để thúc đẩy sản xuất, linh hoạt trong điều tiết nước giúp nông dân áp dụng mô hình xen canh tôm càng xanh – lúa đạt hiệu quả”. Bên cạnh đó, các ngành chuyên môn cũng tăng cường công tác khuyến ngư, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn nông dân trong quá trình sản xuất, các biện pháp quản lý tôm nuôi, hạn chế rủi ro trong sản xuất. Ông Nguyễn Hoàng Xuân cũng cho biết, hiện nay giống tôm càng xanh có nguồn gốc Đại học Cần Thơ là chất lượng tốt, khỏe mạnh, đồng đều, tỉ lệ sống cao, sinh trưởng và phát triển tốt; khuyến cáo người dân nên chọn để thả nuôi, hạn chế thả giống có nguồn gốc không rõ ràng sẽ nuôi không hiệu quả.

Nông dân phấn khởi vì trúng mùa, trúng giá

Ông Nguyễn Văn Đức (ấp Bình Thạnh, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long) cho biết, vụ này gia đình ông thả nuôi hơn 2.500 m2 tôm càng xanh trên đất trồng lúa. Sau thời gian thả nuôi hơn 6 tháng, ông đã thu hoạch được hơn 80 kg tôm càng xanh thương phẩm, loại 50 con/kg. Với giá bán thương phẩm 140.000 đồng/kg, tăng 40.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước, sau khi trừ chi phí vụ này gia đình ông lãi hơn 8 triệu đồng.

Cũng tương tự như ông Đức, anh Nguyễn Văn A ngụ cùng ấp, cũng thực hiện mô hình tôm càng xanh - lúa trong nhiều năm, đem lại hiệu quả ổn định. Anh Nguyễn Văn A cho biết: “Với diện tích 2 ha, trong vụ 01 gia đình thực hiện mô hình nuôi tôm sú với hình thức quảng canh cải tiến kết hợp; đến tháng 7 thì tiến hành cải tạo vuông nuôi để bắt đầu sản xuất vụ tôm càng xanh kết hợp trồng lúa; vào đầu tháng 8 tiến hành thả tôm càng xanh giống trong ao gièo. Anh Hải chọn tôm càng xanh giống của Đại học Cần Thơ với giá từ 170 - 190 đồng/con, kích cở đồng đều, đạt tiêu chuẩn từ 1 - 1,2 cm/con. Đến tháng 9 tiến hành sạ, cấy lúa Một bụi đỏ và thả tôm càng xanh vào ruộng lúa tạo điều kiện giúp chúng tự kiếm thức ăn, sinh trưởng và phát triển”. Riêng trong năm 2013, với diện tích canh tác 2 ha anh Nguyễn Văn A thả khoảng 20.000 con tôm càng xanh giống (mật độ 01 con/m2). Sau thời gian nuôi 6,5 tháng thu hoạch được 200 kg, lợi nhuận hơn 15 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn A vô cùng phấn khởi “Nếu cộng với lợi nhuận từ sản xuất lúa thì gia đình có thu nhập hơn 35 triệu đồng, vậy là sẽ đón 01 cái tết đầy đủ, sung túc hơn mọi năm”.

Khẳng định tính hiệu quả

Anh Nguyễn Thanh Thoảng - cán bộ phụ trách nuôi trồng thủy sản huyện Phước Long nhận định: “So với những năm trước, mô hình nuôi tôm càng xanh - lúa năm nay cho năng suất cao hơn từ 50 - 60 kg/ha/vụ, do người dân đã có nhiều kinh nghiệm thực hiện mô hình này và đầu tư khá bày bản về công trình vuông nuôi, và chọn tôm giống có chất lượng để thả nuôi. Anh Thoảng cũng cho biết, vài năm nay trong khâu thu hoạch tôm càng xanh cũng có bước cải tiến hơn, người dân áp dụng phương pháp thu hoạch tôm còn sống, bán tôm oxy có giá hơn, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như trước đây đã giảm đáng kể, nhờ đó chất lượng an toàn thực phẩm đảm bảo.

Được biết, diện tích sản xuất mô hình tôm càng xanh - lúa trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu hằng năm giao động từ 6.000 - 7.000 ha, tập trung các địa bàn có điều kiện sinh thái tự nhiên thích hợp của huyện Phước Long, Hồng Dân, Giá Rai. Đây là mô hình nuôi thủy sản kết hợp, nuôi sinh thái đang phát huy tính hiệu quả bền vững và sẽ được tiếp tục ổn định sản xuất trong thời gian tới.


Theo Sở NN&PTNT Bạc Liêu
 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: