Một nghiên cứu mới đây đã cho thấy chiết xuất thầu dầu, lưỡi rắn, mật gấu, chùm ngây, lược vàng, ô rô và sài đất có khả năng kháng lại hai chủng vi khuẩn Vibrio thường gây bệnh cho tôm nuôi.
Tiềm năng sử dụng thảo dược trong nuôi tôm
Nghề nuôi tôm hiện nay đang được đầu tư và định hướng để phát triển bền vững. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh xuất hiện ngày càng nhiều, điều trị ngày càng khó khăn. Do vậy, việc phòng và trị bằng thảo dược ngày càng được ưa chuộng với nhiều ưu điểm như rẻ, dễ chuẩn bị, hiệu quả phòng bệnh cao, giúp tăng cường hệ miễn dịch tôm mà không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Thách thức dịch bệnh trên tôm do vi khuẩn vibrio
+ Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) là bệnh do vi khuẩn V. parahaemolyticusgây ra. AHPND được xác định có khả năng gây chết tôm lên đến 100% trong 20 - 30 ngày sau khi thả giống. Tôm mắc bệnh có dấu hiệu lờ đờ, bỏ ăn, gan tụy teo, dai và có màu sắc nhợt nhạt, ruột rỗng hoặc đứt đoạn. Ngoài ra, kèm theo đó là những dấu hiệu khác như mềm vỏ, sẫm màu và có đốm trên vỏ đầu ngực, phân tích mô học thì cho thấy bệnh ảnh hưởng chủ yếu ở gan tụy của tôm (Lightner et al., 2013).
+ Bệnh phát sáng do V. harveyi gây ra: bệnh thường gặp ở các ao nuôi có độ mặn cao (> 15%), vi khuẩn này phát triển mạnh khi nhiệt độ nước tăng, hàm lượng chất hữu cơ cao, hàm lượng oxy hòa tan thấp. Các vi khuẩn này tiết ra enzyme Luciferase theo cơ chế phát quang gây ra sự phát sáng ở tôm. Năm 1990, Lavilla-Pitogo et al. đã mô tả các dấu hiệu bên ngoài của tôm nhiễm V. harveyi như: bề mặt cơ thể sẫm màu hoặc đỏ, vỏ giòn, có đốm nâu hoặc đen trên vỏ, mang màu hồng hoặc nâu, đục cơ, ruột rỗng. Ngoài ra, ấu trùng nhiễm bệnh còn có dấu hiệu bơi lờ đờ, giảm ăn và chậm phát triển, mô gan tụy bị thoái hóa dẫn đến hoại tử và tăng tỷ lệ tử vong (Robertson et al., 1998). Các chủng V. harveyi có độc lực cao gây ra các đợt dịch bệnh cấp tính với tỷ lệ tử vong từ 50 đến 100%.
Sử dụng thảo dược trong nuôi trồng thủy sản
Thảo dược đóng vai trò là chất kích thích tăng trưởng, tăng cường miễn dịch, có hoạt tính kháng khuẩn và kháng nấm. Ngoài ra, thảo dược còn được nhận định có thể sử dụng thay thế cho kháng sinh dùng trong nuôi trồng thủy sản. Cao chiết thảo dược cũng được đánh giá hiệu quả trong ức chế tác nhân gây bệnh trên tôm.
Củ riềng. Ảnh: Internet
Cao chiết củ riềng (Alpinia galanga) được xác định có khả năng ức chế sự phát triển của V. parahaemolyticus (Chaweepack et al., 2015). Cao chiết có chứa 1'-acetoxyeugugenol acetate là thành phần có thể ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn gram dương như Staphylococcus cerevisiae, S. epidermidis, S. aureus và Bacillus cereus (Oonmetta-aree et al., 2006). Nghiên cứu của Canillac và Mourey (2001) ghi nhận 8 loài Vibrio spp. nhạy cảm với cao chiết củ riềng, trong đó có V. harveyi.
Khả năng diệt khuẩn của dịch chiết lá sim và dịch chiết hạt sim (Rhodomyrtus tomentosa) đối với các chủng vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (V. parahaemolyticus) cũng được xác định là hiệu quả trong điều kiện phòng thí nghiệm. Trong đó, dịch chiết hạt sim thể hiện hoạt tính kháng vi khuẩn gây AHPND cao hơn so với dịch chiết lá sim (Đặng Thị Lụa và ctv., 2015).
Hoạt tính kháng virus của cao chiết cỏ gà Cynodon dactylon đã được thử nghiệm trên trên tôm sú (Penaeus monodon). Kết quả nghiên cứu cho thấy thức bổ sung 2% cao chiết cỏ gà C. dactylon cho tỉ lệ sống 100% (Balasubramanian et al., 2008).
Rameshthangam và Ramasamy (2007) ghi nhận việc bổ sung bis (2-metylheptyl) phthalate được chiết xuất từ lá cây đậu dầu (Pongamia pinnata) đã làm tăng tỉ sống của tôm sú (Penaeus monodon) khi gây nhiễm WSSV, với mức bổ sung 200 và 300 µg cao chiết tương ứng với tỉ lệ sống 40% và 80%.
Chang et al. (2012) bổ sung chiết xuất từ gừng vào khẩu phần ăn của tôm thẻ chân trắng (L. vannamei) trong 56 ngày cũng giúp kích thích tăng trưởng và tăng tỷ lệ sống của tôm. Nghiên cứu của Bhavan et al. (2014) cũng ghi nhận kết quả tương tự khi bổ sung cao chiết Syzygium cumini và Phylanthus emblica vào thức ăn ấu trùng tôm Macrobrachium malcolmsonii trong 45 ngày. Kết quả cho thấy hoạt tính enzyme tiêu hóa và tốc độ tăng trưởng của tôm được cải thiện đáng kể.
Hiện nay, việc sử dụng thảo dược trong phòng trị bệnh thủy sản đang được tập trung nghiên cứu và ứng dụng nhiều trong nuôi trồng thủy sản. Ngoài khả năng tăng cường miễn dịch, gia tăng sức đề kháng, và kháng lại mầm bệnh thì thảo dược còn có tác dụng kích thích sự tăng trưởng.
Khảo sát để chọn ra loại thảo dược thích hợp kháng lại vibiro
Nghiên cứu của Hồng Mộng Huyền và Võ Tấn Huy được tiến hành nhằm khảo sát hoạt tính kháng khuẩn của bảy loại thảo dược (thầu dầu, lưỡi rắn, mật gấu, chùm ngây, lược vàng, ô rô và sài đất) đối với vi khuẩn V. harveyi và V. parahaemolyticusgây bệnh trên tôm nuôi.
Nghiên cứu được thực hiện trên bảy loại thảo dược ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Phương pháp ly trích dịch chiết
Quy trình ly trích dịch chiết
Bảy loại cao chiết thảo dược được sử dụng để xác định hoạt tính kháng khuẩn với hai chủng vi khuẩn Vibrio spp gây bệnh trên tôm nuôi là V. harveyi và V. parahaemolyticus.
Kết quả
Các loại cao chiết thảo dược dùng trong nghiên cứu đều có khả năng ức chế sự phát triển của V. harveyi và V. parahaemolitycus. Cụ thể, cao chiết cây thầu dầu cho thấy khả năng kháng V. harveyi và V. parahaemolitycus rất tốt với đường kính vòng kháng khuẩn tương ứng là 18,0±1,4 mm và 17,5±0,7 mm. Nhóm cao chiết cây mật gấu, chùm ngây, ô rô, sài đất có khả năng kháng V. harveyi ở mức trung bình (đường kính vòng kháng khuẩn ≥ 10 mm). Tuy nhiên, đối với V. parahaemolitycus, nhóm cao chiết mật gấu, chùm ngây, ô rô, sài đất cho thấy hiệu quả thấp hơn (đường kính vòng kháng khuẩn ≥ 8,0 - 9,5 mm).
Từ kết quả xác định hoạt tính kháng khuẩn cho thấy cao chiết thầu dầu kháng tốt (nhạy) đối với 2 chủng vi khuẩn V. harveyi và V. parahaemolitycus gây bệnh trên tôm, do đó cao chiết thầu dầu sẽ được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung vào thức ăn cho tôm giúp tăng cường miễn dịch, kháng lại mầm bệnh giúp tôm tăng trưởng và phát triển tốt.
Thảo dược là một chế phẩm tự nhiên chúng có thể thay thế hoàn toàn các loại kháng sinh giúp phòng, trị bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Sử dụng thảo dược cũng được đánh giá là tốn ít chi phí hơn trong quá trình điều trị và không gây độc. Đây là một hướng đi bền vững giúp bà con tạo ra nguồn thực phẩm sạch và an toàn.
Nguồn: Tổng hợp