Khắc phục hiện tượng tôm sú chậm lớn

Thursday,
15/08/2019
0

Hiện tượng tôm sú chậm lớn sẽ làm kéo dài thời gian nuôi, tăng hệ số thức ăn, tăng chi phí sản suất, giảm năng suất và giảm hiệu quả kinh tế.

                                                                 Tôm chậm lớn làm giảm hiệu quả kinh tế

Nguyên nhân

Tôm giống bị nhiễm bệnh: Trường hợp tôm giống nhiễm bệnh còi do MBV (Monodon Baculovirus) hoặc HPV (Hepatopancreatic parvovirus) hoặc bị Hội chứng chậm lớn trên tôm sú LSNV (Laem singh virus) sẽ chậm lớn. Bệnh do MBV và HPV đã được đề cập nhiều, riêng LSNV là tương đối mới, bệnh này đã xuất hiện và được ghi nhận tại các nước Ấn Độ, Thái Lan. Bệnh có khả năng lây lan nhanh, rộng và gây hiện tượng tôm chậm lớn trong suốt quá trình nuôi.

Lạm dụng kháng sinh: Việc lạm dụng chất kháng sinh liên tục ở liều cao trong sản xuất, ương gièo để điều trị bệnh nhiễm khuẩn của tôm giống đã làm giảm sức kháng bệnh của tôm khi đưa vào nuôi, giảm khả năng chuyển hóa thức ăn dẫn tới tình trạng tôm chậm lớn, còi cọc làm tăng hệ số sử dụng thức ăn, tăng chi phí. Ngoài ra còn để lại dư lượng kháng sinh trong sản phẩm. 

Tôm bố mẹ không chất lượng: Do nhu cầu tôm giống phục vụ cho nuôi tôm ngày càng lớn trong khi nguồn lợi tôm giống bố mẹ khai thác ngoài tự nhiên giảm đáng kể, rất khó để nuôi thành thục tôm bố mẹ dẫn đến sự khan hiếm nguồn tôm bố mẹ, đẩy giá lên cao nên cơ sở sản xuất sử dụng tôm giống bố, mẹ không đạt chất lượng, lạm dụng quá mức sức sinh sản của chúng để giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Để có được tôm giống chất lượng, thường tôm mẹ đưa vào sinh sản phải có trọng lượng từ 180 - 200 g/con, được khai thác ở các vùng biển sâu ngoài khơi và chỉ nên cho sinh sản không quá 3 lần/tôm mẹ. Tuy nhiên, trong thực tế yêu cầu này rất ít khi được thỏa mãn đối với những cơ sở sản xuất tôm giống theo mùa vụ, cơ sở nhỏ lẻ, không có thương hiệu trên thị trường. Họ thường dùng tôm mẹ khoảng 150 g/con hoặc ép cho sinh sản nhiều lần bằng việc sử dụng các biện pháp kích thích, kháng sinh,…làm cho tôm giống PL có sức tăng trưởng kém, khả năng miễn dịch thấp như đã đề cập ở trên khi đưa vào ao nuôi.

 

Giải pháp

Tôm giống thả nuôi chọn mua ở các cơ sở có uy tín chất lượng, đạt yêu cầu thả nuôi ( kích cỡ với tôm sú PL 15, tôm thẻ chân trắng cỡ PL 12) và phải có kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền.

Duy trì mật độ thả nuôi phù hợp.

Trong quá trình nuôi cần định kỳ sử dụng các chế phẩm sinh học và các sản phẩm dinh dưỡng tăng sức đề kháng.

Ổn định môi trường ao nuôi bằng cách quản lý tốt các yếu tố chất lượng nước ao nuôi (ôxy hòa tan, pH, độ kiềm), sử dụng các sản phẩm vi sinh làm sạch mọi trường, thay nước định kỳ để cung cấp ôxy và thức ăn tự nhiên cho tôm nuôi,duy trì chế độ quạt nước, mực nước hợp lý (trên 1,2 m), quản lý thức ăn chặt chẽ, tránh thức ăn dư thừa xuống đáy ao.

Chọn thức ăn có chất lượng tốt, bảo quản đúng kỹ thuật, tính toán lượng thức ăn phù hợp. Định kỳ bổ sung vitamin và khoáng chất vào trong thức ăn.

Người nuôi cần theo dõi thông tin về thời vụ thả giống cũng như giá tôm nguyên liệu để có định hướng thả nuôi phù hợp với mùa vụ, nguồn vốn và khả năng quản lý của người nuôi.

Áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp trên tôm nuôi, khi xảy ra dịch bệnh cần tìm hiểu rõ nguyên nhân để đưa ra liệu trình điều trị phù hợp.

Nguồn: Con tôm

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: