Khai thông tín dụng và kiểm soát dịch bệnh

Tuesday,
13/02/2018
0

"Bại hoại với diện tích ao nuôi chỉ khoảng 20% và số thành công những ao nuôi này chỉ 60%. Cũng có hộ nuôi thành công cao hơn nhưng nhờ hạ tầng kỹ thuật tốt, có kiểm soát khuẩn hại và nuôi với mật độ vừa phải. Đến nay, hơn 70% diện tích ao nuôi bỏ trống, nhiều hộ dân, trang trại bỏ nghề, có cơ sở tháo chạy hoàn toàn" - ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh nói về những khó khăn với hội viên của mình 6 tháng đầu năm nay.


"Khó" từ Bắc

Ông Cao Tuy - Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Ninh cho biết, nuôi tôm nước lợ 6 tháng đầu năm không khả quan. Với Quảng Ninh, diện tích nuôi tôm gần 10.000 ha, trong đó tôm thẻ chân trắng thâm canh gần 3.000 ha, còn lại là nuôi tôm sú thâm canh. Diễn biến thời tiết bất thường, nhiều hộ nuôi sử dụng giống không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, công tác kiểm dịch yếu dẫn đến dịch bệnh diễn biến phức tạp; cộng thêm việc không có hệ thống nước ngọt điều tiết nước trong ao nên lây lan nhanh. Đến tháng 6/2015, toàn tỉnh đã có gần 600 ha nuôi tôm bị bệnh trên 80% hộ nuôi. Đến hết tháng 6, tỉnh đã cấp 62,5 tấn hóa chất Chlorine cho Móng Cái, Đầm Hà dập dịch khẩn cấp. Vừa rồi, Bộ NN&PTNT xuất cấp 50 tấn hóa chất Chlorine 65% cho Quảng Ninh.

… tới cực Nam

Ông Trần Văn Của - Chủ tịch Hội Thủy sản Cà Mau nhìn nhận, khó khăn lớn nhất với người nuôi tôm quý II/2015 là nắng nóng khô hạn kéo dài tác động xấu đến môi trường, hạn chế sự phát triển các loài nuôi, dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, nhất là nuôi tôm công nghiệp. Ngoài ra, giá đầu vào tăng nhanh như điện, nhiên liệu, thức ăn, nhân công… trong khi giá cả đầu ra không ổn định, sụt giảm, nhất là tôm nguyên liệu. Ông Của viện dẫn, tôm công nghiệp diện tích 9.000 ha nhưng thả giống chưa được 1/2.

http://www.thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/tieu%20diem/z300-con-tom-1230-.jpg

Dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn diễn biến phức tạp - Ảnh: Thế Duyệt

Quy hoạch nuôi tôm công nghiệp chưa phù hợp thực tế với dân nuôi, nghịch lý quy hoạch chậm được khắc phục; dự báo, quản lý, kiểm tra, kiểm soát dù tăng cường nhưng chưa đủ liều, xử lý vi phạm còn nhẹ chưa đủ sức răn đe nên tồn tại nhiều vấn nạn: bơm chích tạp chất vào nguyên liệu thủy sản, con giống kém chất lượng, thuốc, hóa chất…

Ông Nguyễn Văn Nhiệm - Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh chia sẻ: Đây chính là thời điểm khó khăn nhất với các hội viên Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh.

Theo ông Nhiệm, nguyên nhân chính do thiếu tổ chức, chưa có mô hình nuôi tôm bền vững, vốn khó khăn, mạnh ai nấy lo. Ngoài ra, giá tôm của các nước như Ấn Độ, Indonesia… thấp nên gây khó khăn cho việc xuất hàng của các công ty đông lạnh xuất khẩu tôm và làm cho giá tôm 6 tháng qua giảm rõ rệt.

Cấp bách

"Đề nghị Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản, Hội Nghề cá Việt Nam chỉ đạo, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi tập trung hoàn thiện như điện, đường, nguồn nước ngọt… để đảm bảo nuôi tôm phát triển bền vững và tránh được dịch bệnh; quản lý tốt nguồn giống tôm của các doanh nghiệp, kiểm tra kiểm dịch đầy đủ, tránh hình thức; hỗ trợ xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường cho vùng nuôi tập trung. Chú ý đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn" - Ông Cao Tuy, Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Ninh kiến nghị.

Cũng theo ông Tuy, Bộ NN&PTNT và Hội Nghề cá Việt Nam cần sớm đánh giá kết quả mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính của Công ty Việt Úc - Bạc Liêu đã thu hoạch ngày 10/7 vừa qua rất khả quan tại Bạc Liêu. Nếu nhân rộng được mô hình này ra các tỉnh thì ngành tôm sẽ phát triển nhanh và thu được sản lượng tôm lớn phục vụ tiêu dùng cũng như xuất khẩu.

Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi tôm, ông Nhiệm đề xuất: Ngân hàng cần cho vay vốn mở rộng với yêu cầu người vay thực hiện theo quy trình, mua giống, nguyên liệu đầu vào chất lượng có kiểm tra, giám sát… của đơn vị tư vấn độc lập (dựa vào mô hình thành công) do cơ sở tín dụng thuê vừa dễ dàng trong cho vay vừa bảo đảm được vốn và giảm nợ xấu. Ngoài ra, theo ông Nhiệm, đơn vị quản lý Nhà nước về tôm chủ trì để cơ sở cung cấp giống, nguyên liệu đầu vào, người nuôi tôm, nhà khoa học, ngân hàng, công ty chế biến đông lạnh xuất khẩu cùng bàn việc phối hợp để nâng cao giá trị cạnh tranh cho tôm Việt Nam.

"Trong vấn đề tái cơ cấu, chúng tôi sẽ có kiến nghị để nói cho rõ chuyển đổi cơ cấu nghề nuôi tôm Việt Nam, đó là không thể tăng sản lượng bằng tăng diện tích như thời gian qua chúng ta đang làm. Phải tăng sản lượng, chất lượng bằng khoa học kỹ thuật" - TS Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam chia sẻ.

Theo ông Thắng, quan trắc và dự báo môi trường là việc cơ quan nhà nước phải lo thường xuyên, liên tục. "Chúng ta có trung tâm ở 3 vùng làm nhiệm vụ này nhưng vì không có vốn thực hiện nên không làm được hết nhiệm vụ. Không thể kêu gọi nhân dân đề phòng nọ kia được, muốn đề phòng mà không có dự báo thì sao mà đề phòng được. Trong điều kiện eo hẹp, nên tập trung phòng bệnh là chính chứ không phải bỏ tiền để dập bệnh, bỏ tiền để không sinh ra bệnh. Khi chớm bệnh phải bỏ tiền, mua thuốc xử lý hết bệnh chứ không mong đợi cho nhiều nhiều rồi mới lao vào chữa trị; thời gian tới sẽ còn nhiều bệnh mới, bởi vi sinh vật luôn biến đổi và thích ứng với các điều kiện mới" - TS Nguyễn Việt Thắng cho hay.

>> TS Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam: Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị, xúc tiến thương mại không chỉ là việc của nhà chế biến mà còn là việc của nhà sản xuất, nhà nuôi trồng. Tham gia WTO là "đi chợ" tìm hiểu xem "chợ" đang cần gì để bán; chúng ta cũng nên suy nghĩ bán thẳng ra nước ngoài từ người nuôi chứ không phải qua các nhà chế biến nữa…

Thủy sản Việt Nam
 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: