Với diễn biến thời tiết phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro dịch bệnh, môi trường và yêu cầu của các thị trường nhập khẩu phải thực hiện việc giám sát dịch bệnh trong quá trình nuôi, ngày 21/6/2018, Cục Thú y đã ban hành Công văn số 1317/TY-TS “về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản”.
Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 20/6/2018, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của các tỉnh bị thiệt hại là 15.141ha, trong đó diện tích nuôi tôm bị bệnh là 4.216ha, diện tích nuôi cá tra bị bệnh là 110ha, hơn 400ha ngao (nghêu) và 47 bè nuôi hàu bị chết đã gây thiệt hại lớn về kinh tế của người nuôi, ngân sách nhà nước và có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta.
Với diễn biến thời tiết phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro dịch bệnh, môi trường và yêu cầu của các thị trường nhập khẩu phải thực hiện việc giám sát dịch bệnh trong quá trình nuôi, Cục Thú y đề nghị Giám đốc Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trọng điểm về nuôi thủy sản chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện:
Phân công lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật của Chi cục Chăn nuôi và thú y trực tiếp đến từng vùng nuôi trọng điểm nắm bắt, đánh giá đúng thực trạng để có giải pháp cụ thể và tổ chức phòng chống dịch bệnh; tập trung thực hiện các tháng cao điểm khi mùa vụ thả nuôi chính (đối với tôm đang diễn ra); đối với phòng chống thiệt hại trên ngao, thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn.
Tổ chức lấy mẫu quan trắc, cảnh báo môi trường, quản lý nguồn nước xả thải của các nhà máy vào các vùng nước tự nhiên; thực hiện giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh, nhất là tại các cơ sở sản xuất giống, nuôi thương phẩm xuất khẩu để phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời cho người nuôi trồng thủy sản và có cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý, phòng, chống.
Đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi chủ động thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, các biện pháp phòng chống dịch bệnh, xử lý ao nuôi do dịch bệnh hoặc do môi trường theo các quy định hiện hành.
Khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và bố trí kinh phí bảo đảm triển khai có hiệu quả các hoạt động chủ động giám sát cảnh báo sớm dịch bệnh và tổ chức thực hiện phòng, chống dịch bệnh.
Hướng dẫn đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở có chuỗi sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 2/6/2016 về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật để bảo đảm phát triển bền vững và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam