Nắng nóng kéo dài, nước trong ao nuôi cạn kiệt, độ mặn tăng cao cùng với giá xuống thấp khiến người nuôi tôm lo lại trắng tay, do đó, nhiều địa phương đã trễ lịch xuống giống vụ nuôi tôm 2015.
Ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL khuyến cáo chậm thả nuôi, chờ giảm nắng nóng và độ mặn, các yếu tố môi trường nước ổn định mới xuống giống, nhằm tránh thiệt hại do tôm dễ phát sinh dịch bệnh.
Đến giữa tháng 4/2015, các tỉnh ĐBSCL thả nuôi gần 200.000 ha; trong đó Cà Mau và Kiên Giang mỗi tỉnh hơn 71.000 ha, Trà Vinh hơn 17.400 ha…. Do nắng nóng, khô hạn, hơn 19.500 ha tôm nuôi bị thiệt hại. Trong đó, tỉnh Cà Mau gần 5.000 ha đất nuôi tôm bị khô nước (gần 1.000 ha nuôi tôm trái vụ bị chết); Bạc Liêu 2.300 ha tôm nuôi công nghiệp - bán công nghiệp bị chết. Tôm nuôi bị chết cũng xảy ra tại Sóc Trăng trên 4.000 ha, Trà Vinh hơn 5.000 ha; Bến Tre hơn 2.000 ha, Tiền Giang hơn 1.200 ha. Phần lớn tôm nuôi bị chết ở 20 - 40 ngày thả nuôi.
Người dân vẫn dè dặt thả tôm giống - Ảnh: VM
Ở tỉnh Quảng Nam, huyện Núi Thành được cho là vựa tôm của tỉnh với diện tích ao nuôi có lúc đến 1.608 ha; các huyện Thăng Bình, Tam Kỳ cũng được mệnh danh cánh đồng tôm. Thế nhưng hiện nay những cánh đồng tôm mênh mông trơ đáy. Dọc sông Trường Giang thuộc các xã Tam Tiến, Tam Phú, Tam Hiệp…, trước đây nuôi tôm cho lãi cao, giờ cũng bỏ trống. Anh Nguyễn Cường (Xã Tam Hiệp) cho biết: “Vốn dành dụm đổ vào 15 hồ tôm, giờ đã trôi theo nước, gia đình lâm cảnh nợ nần chồng chất”. Anh Phạm Văn Minh (xã Tam Phú) chua xót: “Cả trăm triệu đồng vốn đổ vào 2 hồ tôm, qua hai năm nuôi tôm đã bay sạch, còn nợ ngân hàng trên 50 triệu đồng”.
Những cánh đồng tôm nhiễm mặn phơi mình trong nắng có nguyên nhân từ tình trạng ô nhiễm môi trường do thời tiết ngày càng khắc nghiệt và cả do con người. Tại các hồ nuôi tôm dọc sông Trường Giang, người nuôi tôm cứ vài ngày thay nước là xả ra sông và bơm nước từ sông trở lại. Đủ loại hóa chất và cặn bã nuôi tôm cứ thế xoay vòng trong ao, ra sông và quay vào ao làm tôm chết lan rộng, gây cảnh nợ nần cũng lan rộng.
Người nuôi tôm khó, các đơn vị sản xuất tôm giống cũng chung số phận. Ông Quách Hớn Khoa, Giám đốc Công ty CP Việt - Úc Bạc Liêu, cho biết: Kế hoạch năm 2015, Việt - Úc cung cấp 14 - 16 tỷ con tôm giống. Tuy vậy, quý I năm nay, Công ty chỉ tiêu thụ được 3,5 tỷ con giống.
Theo ông Khoa, tiêu thụ tôm giống đang chững lại, do người nuôi thả giống cầm chừng. Nguyên nhân chính là từ đầu tháng 3 đến nay, các tỉnh ĐBSCL đã đồng loạt vào vụ nuôi tôm mới nhưng thời tiết bất thường, bên cạnh những chuỗi ngày nắng nóng đã xuất hiện mưa trái mùa. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tôm nuôi, bởi dưới tác động của những cơn mưa này tôm đang phát triển tốt dễ bị sốc nặng, đục cơ rồi chết.
Theo Thủy sản Việt Nam