Bà con đang vệ sinh hồ để chuẩn bị bước vào vụ tôm mới
Năm 2018, giá tôm nuôi của người dân các xã Phổ Quang, Phổ An (Đức Phổ) bán ra không cao. Tuy nhiên, năm nay người nuôi tôm ở các địa phương này vẫn tích cực cải tạo ao, hồ để nuôi trồng, bởi đây là nghề đã gắn bó với họ và đem lại nguồn thu để phát triển kinh tế gia đình.
Chuẩn bị cho vụ mới
Sau khi thu hoạch vụ tôm trước Tết, ông Võ Đông Ý, thôn Bàn An, xã Phổ Quang lại tiếp tục khử trùng, cải tạo ao để nuôi vụ tiếp theo. Ông Ý cho biết: “Vùng cát, mình nuôi quanh năm, vì nó không phụ thuộc nhiều về thời tiết. Ai có sức thì cứ nuôi thôi.
Vụ cuối năm vừa qua, tôi thả nuôi một số hồ và đã thu hoạch trước Tết hơn một tháng. Sau đó, tôi cho nghỉ để vệ sinh, rồi mới thả nuôi lại. Nghề này nuôi sống gia đình, nên phải làm thật kỹ lưỡng mới mong có thu nhập được”.
Giống như ông Ý, tuy còn những lứa tôm cũ, nhưng ông Hồ Thanh Ti cũng đang gấp rút để thu hoạch vụ cũ và chuẩn bị con giống cho vụ mới. Với 4 hồ nuôi rộng hơn 5.000m2, vụ này ông Ti dự định sẽ thả nuôi hơn 20 vạn tôm thẻ chân trắng giống. Chi phí ban đầu ước tính gần 2 tỷ đồng. “Chi phí đầu tư ban đầu khá cao, nhưng ai đã nuôi tôm thì đều phải bỏ ra chi phí như vậy. Lúc thu về, giá cao thì lãi từ 500 - 700 triệu đồng/vụ, còn nếu giá thấp thì coi như huề vốn”.
Với người nuôi tôm ở xã Phổ Quang, Phổ An, việc nuôi tôm ở vùng cát luôn có những ưu điểm hơn so với vùng triều. Do đó, họ chia ra nuôi thành nhiều vụ xen kẽ với nhau. “Vùng cát không tốn nhiều công cải tạo hồ, chất lượng tôm nuôi cũng cao, tôm ít dịch bệnh, ít bị thiệt hại do mưa lũ, nên rất nhiều người chọn nuôi ở vùng cát”, ông Thiều Quang Tân, người nuôi tôm ở thôn Bàn An, cho biết.
Nâng cao sản lượng và chất lượng tôm nuôi
Chủ tịch UBND xã Phổ Quang Võ Văn Xinh cho biết: Năm 2018, tổng diện tích nuôi tôm của xã lên đến hơn 62ha. Sản lượng tôm của toàn xã lên đến hơn 950 tấn, tăng hơn 200 tấn so với kế hoạch. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng tôm nuôi, chính quyền xã luôn khuyến cáo người dân nuôi theo đúng kỹ thuật; đồng thời cải tạo hồ, sử dụng nguồn nước sạch để tránh tình trạng tôm bị dịch bệnh, dẫn đến thất thu.
Với xã Phổ An, tuy diện tích nuôi tôm không lớn, nhưng hầu hết người dân ở 4 thôn của xã đều tổ chức nuôi. Thời gian đến, xã vẫn giữ nguyên diện tích nuôi tôm trên cát, đồng thời kết hợp nuôi thêm cá bớp, ốc hương, làm phong phú thêm sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản của địa phương.
Chủ tịch UBND xã Phổ An Huỳnh Thanh Thao cho biết: “Năm 2018, xã có hơn 31ha nuôi tôm, sản lượng đạt hơn 840 tấn. Điều đó cho thấy, con tôm có một vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế của người dân và địa phương. Thời gian đến, xã sẽ có những định hướng để phát triển xen canh thêm các loại vật nuôi mới như ốc hương, cá bớp để làm phong phú sản phẩm, phát triển mạnh về kinh tế cho người dân”.
Nguồn: Báo Quãng Ngãi