Thời gian qua, đã có những mô hình, công nghệ nuôi tôm ít rủi ro, có tỷ lệ thành công cao, nhưng việc ứng dụng, nhân rộng còn gặp không ít khó khăn, mà nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn người nuôi tôm thiếu vốn.
Hiện nay, công nghệ, thiết bị, hạ tầng nuôi tôm cần phải thay đổi, nên nhu cầu nguồn vốn đầu tư là rất lớn, vượt quá khả năng tự có của người nuôi tôm. Trong khi đó, nguồn vốn ngân hàng thời gian qua chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển ngành tôm, nên người nuôi tôm gặp không ít khó khăn về nguồn vốn để phát triển sản xuất, nhất là việc đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ cao vào nuôi tôm.
Nếu đủ vốn, những mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao sẽ được nhân rộng, giúp giảm thiểu rủi ro và gia tăng sản lượng tôm nuôi.
Để có vốn nuôi tôm, phần lớn người nuôi tôm hiện nay phải dựa vào nguồn vốn đầu tư của các đại lý thông qua việc mua nợ vật tư đầu vào với giá cao hơn thực tế 20 - 40%. Vì vậy, suất đầu tư cho các mô hình nuôi tôm tới đây cũng cần được thay đổi cho phù hợp. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các ngân hàng vẫn chưa mạnh dạn đầu tư cho người nuôi do còn ngại rủi ro mất vốn và nhất là vướng các quy định pháp luật.
Với vai trò là tổ chức của người nuôi tôm Sóc Trăng, theo ông Võ Quan Huy – Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cần có chủ trương rõ ràng, cụ thể theo hướng mở về các quy định đối với các ngân hàng thương mại khi đầu tư cho những dự án nông nghiệp. Cần xem vốn – nông dân – công nghệ - thiết bị là quy trình cơ bản để xem xét trách nhiệm của ngân hàng khi có phát sinh nợ xấu cho vay trong nuôi tôm, để giúp các ngân hàng mạnh dạn hơn nữa trong đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Về phía ngân hàng, theo ông Huy cần có đầy đủ đội ngũ cán bộ làm công tác thẩm định hoặc thuê đơn vị thẩm định độc lập chuyên ngành và tham khảo, tìm hiểu thêm về cơ chế đầu tư vốn cho nông nghiệp từ các nước trong khu vực.
Đối với nông dân, do điều kiện sản xuất phần lớn là nhỏ lẻ, rất khó để tiếp cận nguồn vốn, nên cần liên kết sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã hay các hội, hiệp hội để có điều kiện trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sản xuất, cũng như giúp cho công tác thẩm định của ngân hàng được dễ dàng hơn. Khi đó, các tổ chức của người nuôi tôm sẽ đóng vai trò là cầu nối, có tiếng nói trung thực, khách quan trong việc đánh giá, giới thiệu các sản phẩm đầu vào chất lượng, an toàn, giúp người nuôi tôm giảm chi phí sản xuất.
Theo ông Huy, tình hình nuôi tôm gần đây phát triển theo chiều hướng rất tốt, nhiều hộ đã trả được nợ xấu, đủ điều kiện được vay đầu tư mới, nhưng các ngân hàng vẫn còn e dè, khiến việc đổi mới mô hình, công nghệ nuôi tôm có độ rủi ro thấp, tỷ lệ thành công cao chưa được nhân rộng, ảnh hưởng đến giá thành và sức cạnh tranh của con tôm Việt Nam.
Trong khi đó, hiện có nhiều đại lý đầu tư tôm giống, thức ăn, thuốc cho người nuôi tôm theo quy trình do họ đưa ra, dưới sự tư vấn, hướng dẫn, kiểm tra của các kỹ sư nhiều kinh nghiệm đến từ các công ty sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào rất thành công. Điều này cho thấy, nếu các ngân hàng có đầy đủ nguồn nhân lực và mạnh dạn hơn, việc đầu tư vốn cho nuôi tôm cũng sẽ dễ dàng hơn.
Trước những bức xúc về vốn của người nuôi tôm, trong buổi đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội nuôi tôm mới đây tại Hà Nội, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có ý kiến chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng nhà nước tại các địa phương cần có trách nhiệm giám sát các vấn đề khó khăn của nông dân, để giúp họ được tiếp cận vay vốn. Các doanh nghiệp, người nuôi tôm cần chủ động tiếp cận các ngân hàng thương mại để cùng nhau tìm cách tháo gỡ khó khăn. Tăng cường đối thoại, tìm giải pháp phù hợp nhằm nâng cao nguồn vốn tín dụng đầu tư cho nông nghiệp nói chung và con tôm, cá tra nói riêng để góp phần hoàn thành mục tiêu Chính phủ đề ra.
Có thể nói, nguồn vốn hiện đang là nhu cầu bức xúc đối với người nuôi tôm, nên thời gian qua, Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh rất nỗ lực để có tiếng nói đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, nhằm khơi thông nguồn vốn tín dụng, giúp ngành tôm phát triển đúng như mục tiêu và kỳ vọng của Chính phủ. Hy vọng, thời gian tới, người nuôi tôm sẽ không còn phải quá lo lắng về vốn trong đầu tư sản xuất, nhất là đối với những mô hình ứng dụng công nghệ cao.
Nguồn: Báo Sóc Trăng