Khôi phục tôm Đồng bằng sông Cửu Long

Friday,
09/02/2018
0

Sau khi dịch bệnh trên tôm tạm lắng, người nuôi tôm ĐBSCL trúng đậm mùa tôm, năng suất và giá cả đạt cao nhất trong 10 năm qua; năng suất bình quân 4 - 5 tấn/ha, hộ cao nhất lãi trên 250 triệu đồng/ha.


Trúng mùa trúng giá

Những ngày này, hàng trăm hộ nuôi tôm ở huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) đang vui được mùa tôm thẻ chân trắng (TTCT).

Ông Trần Việt Khởi (xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thuận) kể: "Gia đình tôi vừa thu hoạch ao tôm 3.000m2, sản lượng đạt 2,7 tấn. Với giá bán 132.000 đồng/kg, thu về gần 360 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư, cải tạo ao nuôi, còn lãi hơn 170 triệu đồng".

Hộ ông Ngô Đại Thống (ấp An Định, xã An Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) nuôi quảng canh 20.000 con tôm sú trên diện tích 3 ha, thu hoạch được 1,2 tấn, giá bán 120.000 - 150.000 đồng/kg, còn lãi khoảng 50 triệu đồng. Cũng ở ấp An Định, hộ ông Võ Văn Vui nuôi thâm canh 3 ao TTCT với diện tích 1,5 ha. Năng suất đạt khoảng 5 tấn/ha, nhờ giá cao nên lãi khoảng 200 triệu đồng. Ông Vui nói: "Tôi thích nuôi TTCT, vì thời gian nuôi chỉ khoảng 75 ngày, ít tốn chi phí, tránh được rủi ro dịch bệnh nên dễ có lãi". Hộ ông Nguyễn Văn Đực (ấp An Điền) nuôi tôm sú quảng canh 3 ha, lãi gần 100 triệu đồng. Hộ ông Lê Văn Yêm (ấp Giang Hà) nuôi thâm canh TTCT gần 3.000m2, lãi khoảng 100 triệu đồng, cũng nhờ giá tôm 120.000 - 160.000 đồng/kg.

http://www.thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/nuoitrong/z300-Thuy-san-Viet-Nam2454-.jpg

Nông dân vui trúng mùa trúng giá cao vụ tôm 2013 - Ảnh: Lê Hoàng Vũ
 

Ông Bùi Quang Chinh - Phó Chủ tịch UBND xã An Điền cho biết, năm nay toàn xã có 1.890 ha tôm sú quảng canh và gần 360 ha TTCT; vụ này bệnh giảm hơn các vụ trước nên người nuôi trúng đậm.

Theo nhiều người nuôi tôm ở ĐBSCL, khác năm trước hầu hết người nuôi tôm thất bát vì dịch bệnh, tôm chết liên tục, năm nay nhiều hộ nuôi tôm trúng mùa, trúng giá. Tỷ lệ nuôi tôm thành công trong vụ này ở mức 7 - 3 (10 người nuôi tôm 7 người trúng vụ; 3 người còn lại vì không xử lý ao nuôi tốt, không kiểm soát dịch bệnh cẩn thận nên tiếp tục thua lỗ). Năm trước, tỷ lệ tôm chết luôn cao, cứ 10 người nuôi tôm thì 8 người thất bát, không có thu hoạch, vì tôm chết khi vừa thả giống chưa được bao lâu. Hơn nữa, giá tôm nguyên liệu từ đầu năm đến nay liên tục tăng khiến nông dân phấn khởi, hiện đang 132.000 - 142.000 đồng/kg tùy kích cỡ, cao hơn khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg so cùng kỳ năm 2012.

Đưa kỹ thuật vào ao nuôi

Năm 2012, ngay từ đầu năm, Hội Nông dân xã Phước Vĩnh Đông đã cùng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm cho các hộ dân. Đồng thời, thông tin đến các hộ dân khi có yêu cầu tìm hiểu về con giống, kỹ thuật, cách chăm sóc tôm có thể đến tổ tư vấn đặt tại xã Phước Vĩnh Tây để được hỗ trợ. Bên cạnh đó, Hội tuyên truyền, vận động nông dân tham gia tổ kinh tế hợp tác nuôi tôm để có điều kiện nuôi tốt hơn và hạn chế rủi ro. Nhờ đó, sau thu hoạch tôm vụ 1, nhìn chung người nuôi có lãi.

Anh Trần Văn Tâm (ấp Vĩnh Thạnh, xã Phước Vĩnh Đông) cho biết, đa số người dân ở đây sống bằng nghề nuôi tôm. Anh nhận thấy, nuôi tôm không chỉ cần kinh nghiệm mà còn cần làm theo hướng dẫn của chính quyền địa phương và các ngành liên quan; có thế mới hạn chế được dịch bệnh cho tôm và đạt năng suất cao. Vụ tôm vừa qua, nuôi 1 ha tôm, gia đình anh thu lãi trên 120 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Sành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Vĩnh Đông, cho biết: Năm 2013, diện tích nuôi tôm toàn xã 870 ha, đã thu hoạch 500 ha, sản lượng cao. Theo ông, việc chọn con giống rất quan trọng; do đó không nên thả tôm giống giá rẻ, không rõ nguồn gốc, dễ phát sinh dịch bệnh; nên chọn những con giống tốt, có chất lượng của những cơ sở uy tín. Chỉ nên nuôi 2 vụ chính, không nên nuôi trái vụ. Đồng thời, dù giá tôm đang tăng cao, năng suất khả quan, người nuôi vẫn không nên thả nuôi rầm rộ, phá quy hoạch, dễ dẫn đến rủi ro cao.

Diện tích tôm 6 tháng đầu năm toàn huyện 1.147,5 ha/1.500 ha, đạt 76,5% diện tích; 85% lượng tôm giống thả nuôi được kiểm dịch. Nhờ thực hiện khuyến cáo của ngành chức năng cùng với áp dụng kỹ thuật chăm sóc tôm, sau khi thu hoạch vụ 1, phần lớn người nuôi tôm tại huyện Cần Giuộc có lãi hơn trước.

>> Theo nhiều người nuôi tôm ở ĐBSCL, tỷ lệ nuôi tôm thành công trong vụ này ở mức 7 - 3 (10 người nuôi tôm 7 người trúng vụ; 3 người còn lại vì không xử lý ao nuôi tốt, không kiểm soát dịch bệnh cẩn thận nên tiếp tục thua lỗ).
 


Thủy sản Việt Nam
 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: