Chỉ mới xuất hiện cách đây chưa đầy 4 năm nhưng bệnh hoại tử gan tuỵ đã trở thành thảm hoạ của người nuôi tôm cả nước nói chung, Cà Mau nói riêng.
Sau một thời gian nghiên cứu cùng với các nhà khoa học hàng đầu thế giới về bệnh tôm, Tiến sĩ Trần Hữu Lộc, giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh đã tìm ra nguyên nhân gây bệnh cũng như đưa ra được quy trình khống chế bệnh hoại tử gan tuỵ trên tôm nuôi.
Tại buổi hội thảo về bệnh gan tuỵ trên tôm nuôi được tổ chức tại Cà Mau vừa qua, Tiến sĩ Trần Hữu Lộc cho biết, dòng vi khuẩn gây bệnh gan tuỵ được xác định là một dòng đặc biệt của V.parahaemolyticus. Đây là dòng vi khuẩn có khả năng tồn tại lâu trong đất, trong nước và có khả năng lây lan rộng từ nhiều đường. Ngoài ra, khi tôm bị mầm bệnh xâm nhập sẽ lập tức bỏ ăn, do đó rất khó chữa.
Cà Mau được xem là vùng nuôi tôm trọng điểm trong cả nước. Thế nhưng, thực tế thời gian qua lượng tôm nuôi và cả tôm khai thác vẫn không thể cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trên địa bàn. Trong khi đó, sự xuất hiện và tàn phá của bệnh gan tuỵ càng làm nguồn tôm nguyên liệu bị thiếu hụt.
Cẩn trọng áp dụng nhiều giải pháp tổng hợp là cách tốt nhất để có được những vụ nuôi thành công.
Ông Chu Văn An, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, nhận định, tuy Cà Mau có diện tích nuôi tôm rộng nhưng sản lượng thấp, vì vậy các nhà máy chế biến luôn trong tình trạng “khan” nguyên liệu. Cùng với lượng tôm nuôi và khai thác của người dân, đã qua, Tập đoàn Minh Phú đã nuôi tôm công nghiệp hơn 1.000 ha nhưng vẫn không đủ lượng hàng theo yêu cầu.
Do đó, để đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng, trong thời gian tới cần phải có một chuỗi phát triển tôm bền vững với sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cơ quan, doanh nghiệp và nông dân, nhưng trước hết là phải khống chế được bệnh gan tuỵ hiện nay.
Để khống chế bệnh gan tuỵ trên tôm, cần phải có một biện pháp tổng hợp. Theo Tiến sĩ Trần Hữu Lộc, trước tiên phải có nguồn giống sạch bệnh, ao nuôi an toàn bằng việc cân bằng sinh học trong ao nuôi, ao lắng…
Ngoài ra, phải thiết kế lại cả vùng nuôi từ hệ thống thuỷ lợi, tính cộng đồng trong nuôi tôm. Ba hợp phần trại giống, trại nuôi cho đến vùng nuôi phải được kết hợp chặt chẽ với nhau mới có thể khống chế được bệnh gan tuỵ trên tôm.
Ngoài ra, Tiến sĩ Trần Hữu Lộc còn khuyến cáo người dân một giải pháp có thể khống chế được bệnh gan tuỵ mà một số hộ dân ở tỉnh Sóc Trăng đã áp dụng và mang lại hiệu quả từ năm 2012 đến nay là nuôi ghép với cá rô phi.
Cá rô phi có khả năng hoạt hoá nước để cân bằng sinh học trong ao nuôi rất tốt. Do đó, người dân có thể nuôi cá rô phi trong ao lắng khoảng 1 tháng sau đó lấy nước vào ao tôm (với mật độ 5 - 7 con/m2), hay có thể thả xen trong ao nuôi tôm từ 2 - 3 con/m2. Ngoài ra còn có thể thả nuôi trong lưới mành giữa ao tôm 1 tháng trước khi thả tôm giống.
Giá tôm tăng cao, theo đó diện tích ao nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển rất nhanh. Đây là điều đáng mừng cho ngành thuỷ sản của tỉnh.
Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh hiện nay việc nóng vội có thể để lại hậu quả rất lớn. Vì thế, cẩn trọng và áp dụng nhiều giải pháp tổng hợp trong sản xuất, nhất là quản lý chặt vùng nuôi để hạn chế bệnh gan tuỵ trên tôm theo khuyến cáo của ngành chuyên môn là điều cần thiết.
Theo Báo Cà Mau