Kiểm soát khí độc ao tôm

Friday,
27/09/2019
0

Ảnh hưởng         

Trong nuôi tôm nói chung, đặc biệt tôm thẻ chân trắng thâm canh mật độ cao, các loại khí độc trong ao luôn đe dọa quá trình sinh trưởng cũng như phát triển của tômQuá trình nuôi, ao xuất hiện một số khí độc làm ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm nuôi như NH3, NO2 và H2S. Trong quá trình phát triển, tôm chỉ có thể tiêu thụ được khoảng 20 - 30% lượng thức ăn, phần còn lại sẽ rớt đáy và tích lũy ở lớp bùn đáy tạo nên lượng ô nhiễm cực kỳ lớn. Quá trình chuyển hóa đạm diễn ra qua nhiều bước, do nhiều nhóm vi sinh vật tham gia nhưng quá trình hình thành khí độc NH3 nhanh hơn tốc độ chuyển hóa NH3thành các chất không độc, dẫn đến sự tích lũy NH3 kéo theo NO2 ngày càng tăng. H2S sinh ra do sự tích lũy hợp chất hữu cơ trong quá trình nuôi ở các ao đất. Các chất thải được máy quạt nước gom tụ vào giữa đáy ao (đối với ao đáy bùn đất thì một lượng chất thải vẫn còn phân bố xung quanh nền đáy). Các chất thải này phân thành 2 lớp. Lớp ngoài rất mỏng (khoảng 5 mm) được ôxy hoá nên có màu tương đối sáng, có chức năng bao phủ và hạn chế khí độc thoát ra ngoài. Lớp bên dưới có màu đen, chất thải ở điều kiện thiếu ôxy nên vi khuẩn khử lưu huỳnh tạo ra khí độc H2S.

Khí độc rất nguy hại cho tôm nuôi, đặc biệt là H2S với hàm lượng chỉ 0,01 ppm đã có thể giết chết tôm. Độc hơn rất nhiều so với NH3 và NO2. Đặc biệt H2S chưa có công cụ để kiểm tra sự xuất hiện trong ao. Khi tôm bị khí độc ảnh hưởng chúng thường nổi đầu, bơi lờ đờ trên mặt nước, tấp mé, bỏ ăn, nếu không xử lý kịp thời tôm sẽ dễ nhiễm bệnh và chết.

Trong suốt quá trình nuôi, luôn luôn đảm bảo cung cấp đầy đủ ôxy cho ao nuôi

 

Giải pháp

Để hạn chế ảnh hưởng không đáng có, người nuôi phải thường xuyên chú ý đến hoạt động cũng như môi trường chất lượng nước ao nuôi. Vấn đề đầu tiên cần thực hiện là giảm lượng bùn và chất thải hữu cơ trong ao bằng hệ thống xi phông đáy ao từ đó giảm thiểu, giải phóng khí độc trong ao nuôi tôm. Hiện có nhiều hình thức xi phông khác nhau: Máy xi phông di động, máy xi phông đáy ao đặt trên bờ, xi phông nhờ van tự động… Tùy theo mật độ tôm nuôi và lượng chất thải trong ao mà lựa chọn hình thức xi phông cũng như kế hoạch xi phông đáy ao cho phù hợp.

Trong quá trình nuôi, thường xuyên sử dụng các chế phẩm vi sinh (CPVS) xử lý môi trường, được sử dụng để phân hủy các hợp chất hữu cơ như thức ăn thừa, phân tôm, xác chết của tảo và sinh vật trong ao… làm cho đáy ao và chất lượng nước tốt hơn, hạn chế ô nhiễm nước. Các vi khuẩn có trong CPVS sẽ chuyển hóa các khí độc trong nước thành dạng không độc. Chế phẩm vi sinh có nguồn gốc từ vi sinh vật hữu ích, được tạo ra bằng con đường sinh học, rất đa dạng với nhiều tên thương mại khác nhau. Để đạt được hiệu quả tốt nhất, cần lựa chọn sản phẩm phù hợp của các công ty uy tín, chất lượng.

Cùng với sự phát triển của tôm, cần duy trì cũng như phát triển hệ thống thực vật phù du, tạo quần đàn trong môi trường ao nuôi. Một quần thể thực vật nguyên sinh phù hợp với ao nuôi sẽ cung cấp một lượng ôxy đáng kể cho hệ thống thông qua quá trình quang hợp vào thời điểm ban ngày đồng thời nhanh chóng khử nitơ amoniac từ nước làm giảm hàm lượng CO2, NH3, NO2, H2S… Sự nở hoa của thực vật nguyên sinh có thể làm giảm các chất độc vì thực vật nguyên sinh có thể tiêu thụ N-NH3 và liên kết với kim loại nặng.    

Vấn đề quan trọng kể đến đó là trong suốt quá trình nuôi, luôn luôn đảm bảo cung cấp đầy đủ ôxy cho ao nuôi. Khí ôxy có thể ôxy hóa trực tiếp các chất độc hại trong nước và dưới đáy ao; giảm hoặc loại bỏ độc tính của nó, ôxy hóa các chất có độc tính mạnh như H2S, NO2- lần lượt biến thành Sulfate, Nitrate…

Nguồn: Con tôm

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: