Kiên Giang: Khắc phục bất cập trong nuôi tôm công nghiệp

Thursday,
08/02/2018
0

Theo Sở NN&PTNT Kiên Giang, quy hoạch đến năm 2015, tổng diện tích nuôi tôm công nghiệp của tỉnh là 20.000 ha, tập trung ở 2 huyện Kiên Lương và Giang Thành, trong đó kế hoạch năm 2013 này thả nuôi khoảng 2.000 ha.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay trong phát triển nuôi tôm công nghiệp ở Kiên Giang là hệ thống thủy lợi mặn chưa đáp ứng nhu cầu nhưng lại thiếu vốn đầu tư xây dựng. Hệ thống cống ngăn mặn đê biển nhiều nơi chưa được xây dựng, nhiều vùng nuôi tôm công nghiệp chưa có hệ thống thủy lợi. Hệ lụy là nguồn nước mặn bị suy giảm, ô nhiễm do mất khả năng làm sạch tự nhiên dẫn đến tôm nuôi dễ phát sinh dịch bệnh và chết. Vì vậy, năng suất tôm bình quân chỉ đạt trên dưới 10 tấn/ha/năm.

Ông Mai Anh Nhịn, Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết: Vốn đầu tư cho thủy lợi chung của tỉnh hàng năm từ các nguồn hơn 200 tỷ đồng, mới chỉ đáp ứng được khoảng 50 - 60% nhu cầu nạo vét kênh mương, thiếu vốn đầu tư xây dựng mới. Trong khi đó, để có hệ thống thủy lợi đồng bộ phục vụ trồng lúa, nuôi tôm cần hàng ngàn tỷ đồng, nguồn vốn này vượt khả năng của tỉnh.

Theo các doanh nghiệp nuôi tôm công nghiệp, tình trạng tôm bệnh và chết đầu vụ, nhất là những tháng mùa khô chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu, gây thiệt hại nặng về kinh tế nên nông dân chưa mạnh dạn đầu tư nuôi tôm với quy mô lớn. Ngoài ra, nguồn tôm giống sạch bệnh, chất lượng cao, lưới điện 3 pha và những vấn đề khác phục vụ nuôi tôm công nghiệp cũng chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là tôm giống phải di nhập ngoài tỉnh, chưa kiểm soát được chất lượng.

Vụ tôm năm 2012, nhiều ao đầm nuôi tôm công nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên bị thiệt hại nặng do nhiễm bệnh đốm trắng, nghi nhiễm hội chứng hoại tử. Điển hình như tại chi nhánh Công ty Hạ Long thả nuôi 410 ha ở khu nuôi tôm công nghiệp Đồng Hòa (Giang Thành), do bị dịch bệnh chỉ thu hoạch được 297 ha, năng suất trên dưới 8,2 tấn/ha, trong khi đó chỉ tiêu năng suất công ty này đề ra 15 - 16 tấn/ha mới có lãi sau khi trừ chi phí sản xuất.

Tương tự, Công ty TNHH Thông Thuận (Giang Thành) thả nuôi 180 ao (5.000 m ² /ao), trong đó 80 ao vụ nuôi đầu bị thiệt hại hoàn toàn, vụ nuôi tiếp sau năng suất thấp, chỉ khoảng 5 tấn/ha.

Nhằm khắc phục những bất cập trên, vụ tôm năm nay, tỉnh tập trung cải tạo và xây dựng một số dự án công trình thủy lợi trọng điểm phục vụ nuôi tôm công nghiệp. Một số doanh nghiệp đầu tư hệ thống mương nổi để chủ động cung cấp nước sạch và thoát nước khi cải tạo ao đầm, nhằm hạn chế phát sinh dịch bệnh ở tôm; ứng dụng khoa học kỹ thuật nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học, tạo môi trường bền vững; chọn nguồn tôm giống sạch bệnh, chất lượng cao thả nuôi.

Về lâu dài, tỉnh huy động các nguồn lực từng bước đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thủy lợi mặn ở những vùng quy hoạch nuôi tôm công nghiệp. Trong đó, chú trọng đầu tư đường ống dẫn nước từ biển vào ao đầm nuôi tôm, đảm bảo có nguồn nước sạch; đầu tư lưới điện 3 pha, sản xuất con giống chất lượng cao gắn với tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn giống di nhập vào tỉnh, đào tạo cán bộ kỹ thuật chuyên ngành thủy sản, đẩy mạnh công tác khuyến ngư, nghiên cứu khoa học để tìm ra những giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng tôm nhiễm bệnh và chết.

Tỉnh cũng hỗ trợ, vận động doanh nghiệp áp dụng các quy trình nuôi GAP, VietGAP, GlobalGAP để nâng chất lượng, diện tích và năng suất tôm nuôi công nghiệp.

 

TTXVN

 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: