Mục tiêu đến năm 2020, diện tích nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp của tỉnh Kiên Giang đạt 5.000 ha, trong đó vùng Tứ giác Long Xuyên 4.700 ha và U Minh Thượng 300 ha, đạt sản lượng 41.330 tấn.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho hay, thực hiện chương trình, mục tiêu này, năm 2017, tỉnh nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp 2.152 ha, đạt 43% mục tiêu, chương trình đề ra, sản lượng thu hoạch 15.161 tấn.
Trong 5 tháng đầu năm nay, diện tích nuôi tôm công nghiệp đạt 1.760/2.500 ha, sản lượng thu hoạch hơn 12.320 tấn tôm. Nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp ở Kiên Giang đang chuyển biến tích cực, hiệu quả.
Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình nuôi mới như: lót bạt đáy, hai giai đoạn, biofloc,… có tính ổn định, ít rủi ro đang ngày càng phổ biến, nhân rộng đã góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất tôm nuôi công nghiệp.
Tỉnh Kiên Giang huy động nguồn vốn hơn 1.280 tỷ đồng triển khai thực hiện các đề án, dự án, đề tài hỗ trợ chương trình, mục tiêu phát triển nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng.
Cụ thể như: Đề án quan trắc, cảnh báo môi trường và giám sát dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản; đề tài điều tra dịch tễ bệnh đốm trắng (WSD), bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) trên tôm và đề xuất biện pháp phòng chống; chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi tại Kiên Giang; ứng dụng kỹ thuật cộng nghệ cao, tiết kiệm nước vào nuôi tôm công nghiệp theo hướng VietGAP; xây dựng Trung tâm sản xuất giống thủy sản tại một số xã đảo; phát triển hạ tầng về điện phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản tập trung; các dự án sản xuất giống thủy sản của doanh nghiệp tại huyện Kiên Hải, Kiên Lương và Phú Quốc,…
Cùng với đó, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư cơ bản đồng bộ về hạ tầng lưới điện, hệ thống thủy lợi, giao thông,… phục vụ phát triển nhanh, ổn định nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện chương trình, mục tiêu phát triển nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang nảy sinh nhiều những khó khăn, bất cập, chưa đạt yêu cầu đề ra.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết, nuôi tôm công nghiệp hiện vẫn chậm so với yêu cầu; thời tiết diễn biến bất thường cũng ảnh hưởng tôm nuôi; dịch bệnh trên tôm chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu; nguồn nước phục vụ nuôi tôm chưa đáp ứng yêu cầu; nông dân thiếu vốn đầu tư nuôi tôm công nghiệp, khó khăn về vốn để đầu tư hạ tầng điện, giám sát dư lượng sản phẩm thủy sản, quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh,…
Các doanh nghiệp nuôi tôm trong tỉnh vẫn còn trong tình trạng sản xuất cầm chừng, diện tích thả giống nuôi thực tế ít so với diện tích đất được giao sử dụng. Một số địa phương còn xảy ra tình trạng nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp ngoài vùng quy hoạch, phát sinh những hệ lụy, bất cập trong sản xuất, môi trường sinh thái.
Hiện nay, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình nuôi mới trong nuôi tôm công nghiệp được nông dân rất quan tâm và toàn tỉnh có khoảng 200 ha nuôi tôm theo quy trình này.
Theo quy trình mới, tôm được thả nuôi mật độ cao, năng suất 30 - 40 tấn/ha, tiết kiệm nước, kiểm soát khát tốt các rủi ro dịch bệnh, biến động môi trường,… Tuy nhiên, chi phí đầu tư khá lớn nên nông dân chưa mạnh dạn đầu tư nuôi tôm theo quy trình này.
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam