Krill Nam Cực, một loại giáp xác nổi ngoài khơi thường bơi theo đàn đang nhận được sự quan tâm của nhiều công ty NTTS có tư duy tiến bộ. Bột krill đã được chứng minh cải thiện năng suất và sức đề kháng mà không làm tăng chi phí nuôi tôm.
Krill thường tập trung thành từng đám lớn, mật độ dày đặc
Nguồn protein và dưỡng chất tự nhiên
Krill (Euphausia superba) là một loại tôm nhỏ với đôi mắt đen to, vỏ màu đỏ nhạt và gần như trong suốt. Trong khi chiều dài chỉ khoảng 6 cm, krill thường tập trung thành từng đám lớn, mật độ dày đặc trải dài hàng km. Krill là một trong những loài có sinh khối lớn nhất hành tinh, ước tính 500 triệu tấn. Euphausia superba là loài krill có số lượng áp đảo ở vùng nước lạnh băng giá thuộc Nam đại dương bao quanh Nam Cực. Krill sử dụng hệ thống lọc chuyên biệt ở các chân phía trước để lấy thức ăn là các loại siêu vi tảo. Nhờ loại thức ăn này, krill rất giàu phospholipid kết hợp axit omega-3. Do đó, krill chính là một nguồn omega-3 lý tưởng cho ngành công nghiệp nuôi tôm hiện nay.
Sau khi được khai thác trong tự nhiên, nhà sản xuất sẽ tạo ra bột kill từ chiết xuất dung dịch của toàn bộ krill Nam Cực, sau đó làm làm chín và sấy khô. Bột krill có màu vàng cam pha nâu nhạt, chứa 60% protein với một hàm lượng axit amin cân bằng hoàn hảo. Nhờ đó, bột krill là thành phần thức ăn lý tưởng, phù hợp với nhiều đối tượng tôm nuôi khác nhau.
Tại sao tôm lại thích ăn krill?
Rất nhiều chất dẫn dụ khác nhau thường được sử dụng để kích thích tôm thèm ăn. Bản thân bột krill chính là một chất dẫn dụ tự nhiên, như một chất kích thích hóa học giúp làm tăng khoảng thời gian ăn của tôm. Nhờ lớp vỏ rất giàu chitin và hợp chất hòa tan như trimethylamine oxide, krill cũng chứa các axit amin tự do và nucleotides như proline, glycine và glucosamine. Sự kết hợp này là hoàn toàn tự nhiên ở tất cả các loài krill Nam Cực và đã được chứng minh làm tăng tính thèm ăn và độ ngon cho thức ăn, đặc biệt ở những khẩu phần chứa ít bột cá.
Nhu cầu cắt giảm bột cá trong thức ăn thủy sản ngày càng gia tăng từ khi nguồn cung bột cá khan hiếm và ngành NTTS phát triển không ngừng. Thay thế bột cá bằng khô đậu có khả năng làm tăng chi phí và không đảm bảo bền vững. Tuy nhiên, sự khác biệt về thành phần dinh dưỡng, các yếu tố làm giảm tính thèm ăn và kháng dinh dưỡng của khô đậu cũng có thể làm giảm hiệu suất tăng trưởng. Điều này có thể được khắc phục bằng cách bổ sung bột krill vào thức ăn.
Ví dụ, chỉ cần bổ sung 2% bột krill vào khẩu phần ăn chứa 7,5% bột cá là có thể đảm bảo tôm thẻ chân trắng đạt tăng trưởng tương tự khi được cho ăn 20% bột cá. Nhờ chứa 25% chất béo và 58% protein, krill Nam Cực có thể thay thế bột cá, dầu cá và các lecithin thực vật hay cholesterol mà không ảnh hưởng tới trọng lượng thân cuối của tôm. Các chất dẫn dụ thức ăn trong bột krill đã được chứng minh nâng cao hiệu suất tăng trưởng của tôm khi được cho ăn theo khẩu phần chứa ít bột cá hoặc chỉ chứa đạm thực vật.
Tăng trưởng vượt trội
Trong nhiều chất kích thích ăn khác nhau được sử dụng phổ biến trong thức ăn của tôm (betaine, hydrolysates, mực ống và giáp xác), giáp xác và bột krill được chứng minh hiệu quả nhất trong việc thúc đẩy lượng ăn vào ở tôm sú. Một thử nghiệm tăng trưởng trong 6 tuần đã chỉ ra rằng tôm nuôi giai đoạn trưởng thành tăng trưởng nhanh hơn 20% nếu được bổ sung 5% bột krill (Smith et al, 2005).
Bổ sung bột krill vào khẩu phần ăn còn làm tăng số lượng viên thức ăn mà tôm thẻ chân trắng ăn vào (Derby et al, 2016). Cụ thể, bổ sung 6% bột krill vào thức ăn làm tăng đáng kể lượng ăn vào tới 29% chỉ trong vòng 1 giờ. Sau 3 giờ, tỷ lệ bổ sung 6% bột krill làm tăng lượng tiêu thụ thức ăn tới 69% so với nhóm đối chứng.
Khắc phục yếu tố gây stress
Thực tế, áp suất thẩm thấu làm tôm tăng trưởng chậm hơn, tỷ lệ biến đổi thức ăn kém và tỷ lệ sống thấp hơn. Ít ai ngờ là omega-3 phospholipid tự nhiên trong krill đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình điều hòa áp suất thẩm thấu.
Tôm phụ thuộc vào khẩu phần dinh dưỡng chứa phospholipids, đặc biệt ở giai đoạn ấu trùng và giai đoạn trưởng thành để xây dựng màng tế bào, tiêu hóa lipid, vận chuyển trong plasma lipoprotein và thông tin liên tế bào. Các phospholipid đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của tôm vì chúng nâng cao khả năng chống chịu các yếu tố gây stress như ôxy thấp, lột xác, sự thay đổi nhanh nhiệt độ nước hoặc độ mặn cao.
Omega-3 phospholipids có trong bột krill có thể đảm bảo các chất béo (cholesterol và triglycerides) được nhũ hóa hiệu quả, được tiêu hóa và tích lũy trong gan tụy để sẵn sàng sử dụng khi cần thiết. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, nhờ tích đủ năng lượng nên chất béo có thể được vận chuyển kịp thời tới các mô. Đây là yếu tố quan trọng giúp tôm vượt qua những thay đổi có thể gây stress từ môi trường.
Chất chống ôxy hóa astaxanthin trong dầu krill còn giảm thiểu được những tác động của độ mặn bằng cách nâng cao khả năng điều hòa áp suất thẩm thấu và hiệu suất tăng trưởng. Điều này đã được chứng minh trong một thử nghiệm 9 tuần so sánh 3 nguồn chất béo (Castro et al, 2017). Kết quả cho thấy tôm được cho ăn khẩu phần chứa khô đậu hoặc bột cá lớn chậm hơn tôm ăn dầu krill astaxanthin. Trong cùng môi trường nuôi có độ mặn cao hơn, nhóm tôm được ăn bổ sung dầu krill astaxanthin đạt trọng lượng thân cuối cao hơn nhóm tôm ăn khô đậu và bột cá.
Rõ ràng, tôm nuôi rất thích ăn krill. Ở chế độ thức ăn chứa ít bột cá, bột krill làm tăng tính hấp dẫn của thức ăn và cải thiện tăng trưởng cho tôm. Kết quả, tôm lớn nhanh và đạt sản lượng cao, đồng nghĩa chu kỳ nuôi được rút ngắn và tôm nhanh đạt cỡ thương phẩm hơn.
Nguồn: Con tôm