“Kỷ lục” nuôi tôm trong rừng ngập mặn

Thursday,
08/02/2018
0

Nuôi tôm trong rừng ngập mặn (RNM) là mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu, tuy nhiên việc suy giảm diện tích RNM cũng là vấn đề đáng lo ngại.

Diện tích nuôi tôm trong RNM lớn nhất

Với 17.000 ha nuôi tôm trong RNM, Cà Mau trở thành địa phương có diện tích nuôi tôm trong RNM lớn nhất cả nước. Diện tích này đã duy trì 5 - 6 năm liền và tỉnh chủ trương ổn định đến năm 2015. Một số diện tích rừng đã khai thác được trồng bổ sung. RNM của tỉnh tập trung nhiều nhất ở hai huyện Ngọc Hiển, Năm Căn. Diện tích còn lại được phân bổ ở các huyện Đầm Dơi, Phú Tân, Trần Văn Thời, U Minh.

Nhiều mô hình thành công nhất

Bên cạnh diện tích nuôi tôm trong RNM lớn nhất cả nước, Cà Mau còn là tỉnh có nhiều mô hình thành công nhất. Những năm gần đây, mô hình nuôi tôm - cua kết hợp, tôm sinh thái (nửa diện tích trồng rừng, nửa diện tích nuôi tôm), nuôi trồng thủy sản trong RNM ở huyện Năm Căn, Ngọc Hiển cho hiệu quả bền vững, sản lượng tôm rừng đang 250 - 320 kg/ha/năm. Đặc biệt, mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp RNM ở Lâm ngư trường 184. Lâm ngư trường 184 đã kết hợp với Công ty CP Chế biến Thủy sản và XNK Cà Mau (Camimex) tổ chức sản xuất chế biến xuất khẩu tôm sinh thái, đem lại giá trị kinh tế liên tục tăng: Năm 2002 đạt 17 tấn, trị giá 271.500 USD, năm 2003 đạt 24,5 tấn, trị giá 460.570 USD, năm 2004 đạt 134 tấn trị giá 2,32 triệu USD, năm 2005 đạt 131 tấn, trị giá 2,47 triệu USD và 10 tháng đầu năm 2006 đạt 108,8 tấn, trị giá 2,04 triệu USD. Ở huyện Năm Căn, Ngọc Hiển hiện có khoảng 1.200 hộ nuôi tôm sinh thái được công nhận.

http://tomgiongchauphi.com/uploads/news/2013_03/z300-con-tom-347.jpg

Một số tỉnh áp dụng mô hình nuôi tôm trong RNM cho hiệu quả bước đầu - Ảnh: Trần Út

Diện tích RNM bị suy giảm mạnh nhất

14.000 ha là diện tích RNM ở Trà Vinh bị mất do nuôi tôm trong thời gian chưa tới 20 năm. Theo số liệu năm 1975, chỉ tính riêng diện tích RNM ở huyện Duyên Hải (tỉnh Cửu Long cũ) là hơn 19.000 ha. Đến năm 1980, tỉnh Trà Vinh còn được 12.400 ha RNM. Năm 1990, diện tích rừng của Trà Vinh còn 5.924 ha. Năm 1992, diện tích rừng chỉ còn 5.429 ha. Trong những năm trở lại đây, mặt trái của việc nuôi tôm sú là sự đe dọa đối với RNM ở Trà Vinh bởi việc phá rừng nuôi tôm tự phát. Lợi nhuận trước mắt của nghề nuôi tôm khiến cho người dân bất chấp những mặt xấu của nó để theo đuổi ước mơ làm giàu để rồi phải trả giá. Rất nhiều hộ dân ở Trà Vinh lâm cảnh nợ nần chồng chất, do cầm cố vay tiền ngân hàng để nuôi tôm, thua lỗ chưa trả được nợ.

Trong những năm qua, với nguồn kinh phí của Nhà nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ (Oxfarm), tỉnh Trà Vinh đã chú trọng công tác trồng rừng nhưng chỉ đạt 6.744 ha. Trong khi đó, việc ồ ạt nuôi tôm chỉ trong vòng vài năm, RNM ở Trà Vinh đã mất đi hàng chục ngàn ha.

Đầu tư nuôi tôm trong RNM

Giai đoạn 2009 - 2012 người dân huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để trồng mới khoảng 300 ha rừng trên diện tích nuôi tôm. Với việc trồng rừng mới, người dân huyện Duyên Hải đã áp dụng mô hình nuôi tôm sinh thái, 60% diện tích đất để trồng rừng đước; 40% diện tích còn lại được thả nuôi tôm sú và các loài thủy sản khác như: cua biển, cá chẽm… Do dựa vào nguồn thức ăn tự nhiên dưới tán rừng nên chi phí đầu tư thấp (chủ yếu con giống), môi trường sinh thái vùng nuôi nơi đây ổn định, rất ít xảy ra dịch bệnh… Bình quân mỗi năm một gia đình nuôi tôm theo mô hình này thu lãi từ 80 - 100 triệu đồng, tuy mức lãi không cao bằng các hộ nuôi tôm theo hình thức thâm canh và bán thâm canh nhưng tính bền vững rất cao.

Nhiều hộ trong xã Hiệp Thạnh đã đầu tư trồng rừng trên diện tích nuôi tôm… Chỉ tính riêng 2 ấp là Ấp Bào và Cây Da hiện có khoảng 350 ha áp dụng mô hình này. Để nhân rộng và phát triển mô hình bền vững, xã Hiệp Thạnh tham mưu với Phòng NN&PTNT, UBND huyện Duyên Hải có chính sách hỗ trợ cho người dân địa phương xây dựng, phát triển mô hình, tổ chức tập huấn, chuyển giao các tiến bộ KH-KT về nuôi tôm kết hợp trồng rừng cho nông dân.

Hiệu quả mô hình nuôi tôm trong RNM

Nuôi tôm rảo quảng canh cải tiến (QCCT) trong RNM của huyện Yên Hưng, Quảng Ninh được xem là mô hình đem lại hiệu quả bền vững, cho sản lượng vài trăm tấn mỗi năm, cho lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Theo Phòng Nông nghiệp huyện Yên Hưng, đến nay huyện đã quy hoạch khoanh nuôi trên diện tích 6.300 ha, diện tích vùng thấp triều được nuôi QCCT khá lớn với những loài thủy hải sản được ưa chuộng trong đó có tôm sú. Việc khoán bãi RNM cho các hộ dân đã hạn chế tình trạng dùng xiệc điện và các ngư cụ có tính hủy diệt khác để đánh bắt hải sản, phá rừng bừa bãi, nên một số loài hải sản truyền thống có giá trị cao đang dần được hồi phục, đồng thời cũng là nơi dự trữ nguồn thức ăn và phù du sinh vật dồi dào cho các đối tượng thủy sản nuôi trồng. Riêng trên diện tích quy hoạch, Yên Hưng đã đào đắp hơn 3 triệu m3 đất để hình thành hệ thống đầm, xây dựng trên 2.000 cống lấy nước mặn và tiêu thoát nước phục vụ nuôi trồng thủy sản.

>> Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, việc tiến hành trồng rừng theo tỷ lệ 70% diện tích RNM với 30% diện tích nuôi tôm, góp phần nâng tỷ lệ cây sống lên tới 80%, năng suất tôm nuôi tăng gấp 4 lần, từ 80 kg/ha/vụ lên 350 kg/ha/vụ và hạn chế tình trạng bỏ hoang các đầm nuôi sau khi thu hoạch tôm.
 

Nguồn tin: Thuỷ Sản Việt Nam

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: