Được xác định là lĩnh vực mũi nhọn trong ngành thủy sản nói riêng và nông nghiệp nói chung, con tôm đang nhận được rất nhiều ưu đãi để phát triển. Tuy nhiên, những chính sách này chưa thực sự “đồng hành” với người nông dân.
Nợ vẫn hoàn nợ
Đây là thực trạng của người nuôi tôm trong mấy năm gần đây, nhiều người thành công đã gỡ gạc được thất bát những vụ trước, nhưng không ít vẫn lâm cảnh trắng tay, nợ cũ chưa trả được, nợ mới lại chồng chất.
Tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình), vụ tôm năm nay tôm thẻ chân trắng (TTCT) nuôi bị chết hàng loạt khiến nhiều hộ dân điêu đứng, để tiếp tục thả nuôi nhằm gỡ gạc vốn, người phải đi vay nặng lãi. Và lý do sống chết với con tôm của họ là bởi “ở cái đất này, không nuôi tôm, cua thì cũng chả biết làm gì để sống”.
Trước những khó khăn của ngành tôm, mấy năm trở lại đây, nhiều chính sách đã được đưa xuống các ao, đầm. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách khá xa để người nuôi với được.
Đầu tiên, là quyết định hỗ trợ người nuôi tôm bị thiệt hại do những điều kiện bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh... của Chính phủ nhằm hỗ trợ nông dân tái đầu tư sản xuất. Nhưng, điều khoản để được hỗ trợ chưa thực sự đơn giản.
Ngay từ đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng quyết định giảm lãi suất cho vay phục vụ nuôi trồng, chế biến cá tra và tôm. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp và người nuôi, không dễ để tiếp cận nguồn vốn này. Bởi, điều khoản các ngân hàng thương mại đưa ra là “phải có đất, có nhà đem cầm cố ngân hàng thì mới vay được tiền, ngân hàng không chấp nhận cho vay bằng việc thế chấp sản phẩm trong ao”. Đây là điều dường như không thể với nông dân, bởi sau nhiều vụ nuôi thua lỗ, đa số tài sản của họ vẫn nằm trong ngân hàng nên dù lãi suất có giảm thì người nuôi cũng không thể tiếp cận được. Hơn nữa, hiện các ngân hàng cũng rất chặt chẽ trong cho vay mới.
Con giống, thật giả lẫn lộn
Trong các nguyên nhân khiến tôm chết hàng loạt trong thời gian qua, bên cạnh thời tiết, môi trường và yếu tố kỹ thuật, con giống cũng đóng vai trò không nhỏ.
Nhu cầu con giống cho các diện tích ngày càng được mở rộng rất lớn, nhất là TTCT, nhưng số lượng con giống chất lượng cho mỗi vụ nuôi lại hạn chế. Tại sao giống kém chất lượng vẫn có “cửa” ra thị trường?
Nhu cầu tôm giống của người nuôi ngày càng lớn - Ảnh: Phan Thanh Cường
Nhìn tổng thể hệ thống quản lý chất lượng hiện nay từ trung ương đến địa phương đều khá chặt chẽ. Chưa kể, các tỉnh còn lập các trạm kiểm soát tại cửa ngõ nhập tỉnh, tuy nhiên, giống kém chất lượng vẫn tràn thị trường. Lý giải cho điều này, các nhà quản lý cho rằng, do lực lượng chuyên trách quá mỏng, nên không thể kiểm soát nổi và người dân ham rẻ, cố tình mua tôm trôi nổi về thả nuôi. Nhưng người nuôi dựa vào đâu để chắc chắn tôm đạt chất lượng?
Một thực tế cho thấy, việc quản lý tôm giống hiện còn nhiều bất cập, đặc biệt với TTCT ngay từ khâu nhập khẩu tôm bố mẹ. Số lượng tôm bố mẹ nhập về, kích cỡ, số lần cho đẻ chưa được theo dõi và báo cáo cụ thể. Hoạt động của các trại sản xuất giống không được kiểm soát, các mẻ giống tốt xấu dễ bị trộn lẫn... Điều này khiến sức đề kháng của phần lớn tôm nuôi đều kém, dễ mắc các loại bệnh dịch. Ngoài ra, giá tôm giống luôn biến động thất thường. Những quy định về trại nuôi, kiểm dịch, thanh tra, quản lý kinh doanh... khá lỏng lẻo, mờ nhạt.
Nông dân mò mẫm nuôi
Hiện nay, việc quy hoạch trong nuôi trồng thủy sản hầu hết chưa theo kịp thực tế. Nuôi đối tượng gì, diện tích bao nhiêu... hầu như do nông dân tự quyết.
Năm ngoái, nuôi tôm sú không lại được với TTCT về cả sản lượng và lợi nhuận, đồng thời TTCT ít rủi ro, nên tại nhiều địa phương, diện tích TTCT đã tăng đột biến, nhiều diện tích nuôi tôm sú cũng được chuyển đổi, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng.
Nhưng đến thời điểm này, TTCT lại khốn đốn vì dịch bệnh đeo đuổi, giá giảm mạnh. Người nuôi lãi rất thấp, thậm chí hòa vốn, bởi năm nay, chi phí đầu vào đều tăng mạnh. Để tránh rủi ro, nhiều người nuôi nhen nhóm ý định quay với con tôm sú. Việc chuyển đổi này diễn ra cả trong vùng quy hoạch lẫn ngoài quy hoạch, nhưng ý kiến của nhà quản lý xem ra chỉ để tham khảo!
Cùng với đó, khi thả nuôi tôm, nhiều người tự tìm tòi kỹ thuật, và cũng do mò mẫm nuôi nên với họ được thua phần lớn dựa vào may rủi. Thất bại cũng không rút kinh nghiệm mà tiếp tục thả nối, bất chấp điều kiện môi trường phù hợp hay chưa? Cùng đó, vấn đề sử dụng kháng sinh, hóa chất trong nuôi tôm cũng rất nan giải, nhiều loại bị hạn chế sử dụng, dư lượng nông dược độc hại vẫn xuất hiện trong không ít đầm tôm... Vì thế, tôm cứ tiếp tục chết và nguyên nhân chính gây ra lại để ngỏ...
>> Để đảm bảo cho ngành tôm phát triển bền vững, hiệu quả, theo nhiều nhà chuyên môn thì cần gấp rút nâng cao trình độ cho người nuôi, bằng thực tế sản xuất qua các mô hình, chứ không đơn giản là các lớp tập huấn. |
Thủy sản Vệt Nam