Nuôi tôm quảng canh (tôm-rừng hoặc tôm-lúa) có đặc thù là nuôi tôm mật độ thấp, không cho ăn hoặc cho ăn bổ sung rất ít, đa số là nuôi tôm sú. Do môi trường các ao hay đầm (vuông) nuôi tôm quảng canh rất rộng lớn nên việc áp dụng các giải pháp an toàn sinh học để tránh sự xâm nhiễm của mầm bệnh đỏ thân - đốm trắng vào ao đầm nuôi gần như là không thể thực hiện được. Tôm sống trong ao đầm quảng canh luôn tiếp xúc với mầm bệnh đỏ thân - đốm trắng ở nhiều mức độ khác nhau. Vì môi trường nuôi quảng canh gần giống như trong môi trường tự nhiên, ít có yếu tố tạo stress cho tôm nên dịch bệnh đỏ thân - đốm trắng trong nuôi quảng canh không quá khắt nghiệt như trong ao nuôi tôm công nghiệp. Tuy nhiên, nó cũng gây ra thiệt hại đáng kể cho bà con trong 1 số trường hợp và thời điểm trong năm (ví dụ như lúc giao mùa).
Sau đây là 1 số biện pháp nhằm hạn chế dịch bệnh đỏ thân - đốm trắng trong ao nuôi tôm quảng canh:
- Giữ môi trường ao nuôi sạch sẽ - thông thoáng: ao nuôi cần được cải tạo sạch sẻ (sạch bùn đáy) trước mỗi đợt thả giống (đối với mô hình tôm – lúa) hay định kỳ hàng năm (đối với mô hình tôm-rừng). Cần phát hoang bờ ao để ao thông thoáng, tạo điều kiện cho oxy hòa tan trong ao tốt, tảo và các loại thức ăn tự nhiên phát triển thuận lợi. Ngoài ra, cần sử dụng định kỳ các sản phẩm vi sinh phân hủy hữu cơ và các sản phẩm gây nuôi thức ăn tự nhiên (tạo ốc gạo, copepod, trùn, …) cũng giúp môi trường ao nuôi ổn định hơn. Điều này giúp tôm nhanh lớn và tăng sức đề kháng đối với mầm bệnh.
- Giữ cho môi trường ao đầm nuôi ổn định: môi trường nước ao ổn định giúp hạn chế stress – yếu tố gây căng thẳng cho tôm và làm giảm sức kháng bệnh của tôm. Cách tốt nhất là giữ mực nước ao đủ sâu, lượng nước trong ao đủ nhiều để tránh biến động môi trường theo thời tiết. Trong môi trường nuôi quảng canh, nên nhớ nguyên tắc là “nước nhiều thì tôm nhiều và khỏe mạnh”.
- Sử dụng tôm giống gia hóa khỏe mạnh: tôm giống khỏe mạnh là yếu tố cực kỳ quan trọng giúp đề kháng chống lại mầm bệnh trong môi trường. Tôm giống gia hóa sạch bệnh có khả năng đề kháng cao với mầm bệnh nhờ được chọn lọc nên có tỉ lệ sống cao và sức chống chọi mầm bệnh tốt hơn trong môi trường ao nuôi.
- Mật độ thả nuôi vừa phải: tôm nuôi quảng canh thường chỉ dựa và thức ăn tự nhiên nên cần thả mật độ vừa phải với lượng thức ăn tự nhiên trong ao đầm, giúp tôm tăng trưởng nhanh và khỏe mạnh. Mật độ nuôi tôm sú quảng canh nên vào khoảng 0,5 – 2 con/m2 tùy theo chất lượng ao đầm và vùng nuôi. Thả tôm quá dày sẽ làm tôm thiếu thức ăn vào các tháng sau (khi tôm lớn) làm tôm suy dinh dưỡng và giảm sức đề kháng với bệnh.
- Chia nhỏ ao đầm nuôi để hạn chế lây lan bệnh: nhiều ao đầm quảng canh rất lớn (5-10 ha) sẽ rất khó kiểm soát tôm nuôi và mầm bệnh. Thực tế có thấy, ao nuôi nhỏ hơn (dưới 1 ha) thì hiệu quả nuôi sẽ cao hơn.
- Giảm sự xâm nhập của virus vào ao nuôi thông qua thay nước: thay nước định kỳ theo con nước thủy triều là yếu tố rủi ro lớn nhất mang nhiều mầm bệnh đỏ thân-đốm trắng vào ao nuôi, gây thêm stress lên cho tôm nên dễ làm tôm phát bệnh. Thực tế cho thấy, các ao nuôi tôm quảng canh ít hoặc không thay nước thường ít bị dịch bệnh đỏ thân – đốm trắng hơn những ao thay nước định kỳ theo con nước. Trong trường hợp phải cấp thêm nước hay thay nước nên sử dụng nước từ ao lắng hay ao chứa nước. Do vậy, để ổn định sản xuất, bà con nên cố gắng dành ra 1 diện tích để chứa nước dự phòng cấp cho ao nuôi. Đặc biệt là không nên lấy nước vào ao khi vùng nuôi xung quanh đang có dịch bệnh đỏ thân – đốm trắng.
- Nuôi ngắt vụ: một số vùng nuôi quảng canh (đặc biệt là khu vực tôm-rừng) có khuynh hướng thả gối vụ quanh năm, điều này làm tăng nguy cơ lưu tồn mầm bệnh đỏ thân-đốm trắng cũng như các mầm bệnh khác trong ao đầm. Trong trường hợp này, nếu có điều kiện, bà con nên nuôi ngắt vụ theo từng đợt thả giống, tức là nuôi dứt đợt này xong mới nuôi đợt mới. Để gia tăng hiệu quả của mô hình này, bà con có thể làm ô dèo (ao dèo) để ương tôm trong khoảng 1 tháng trước khi bung ra (thả ra) toàn bộ ao đầm nuôi.
Trên đây là 1 số biện pháp góp phần giúp bà con giảm thiểu thiệt hại cho tôm nuôi quảng canh do dịch bệnh đỏ thân-đốm trắng gây ra.