Làm thế nào để thả tôm giống đạt hiệu quả?

Thursday,
22/02/2018
0

Thả tôm giống là khâu kỹ thuật tương đối đơn giản nhưng trên thực tế gặp nhiều sai sót nhất trong quá trình nuôi tôm. Nhằm hạn chế các sai sót này, công ty Tôm giống Châu Phi xin giới thiệu các lưu ý trước và khi thả giống cùng chi tiết các bước thực hiện thả tôm giống đạt hiệu quả cao.


1. Các lưu ý trước khi thả tôm giống

- Phải bảo đảm các yếu tố môi trường nước ao nằm trong khoảng cho phép:
* pH: 7,5 – 8,5
* Độ kiềm từ 80ppm trở lên
* Độ trong 30-40 cm.
- Phải đo chính xác độ mặn nước ao và báo trong trại giống để hạ độ mặn trong bể giống cho phù hợp với nước ao nuôi.
- Phải bảo đảm không còn tồn lưu hóa chất xử lý trong nước ao để tránh thiệt hại đáng tiếc đối với tôm giống. Cách tốt nhất là lấy khoảng 10 lít nước ở tầng đáy ao cho vào thau và thả vào đó khoảng 100 con tôm giống để thử nước trong 24 tiếng đồng hồ trước khi thả giống.
- Nên mở quạt nước khoảng 2 – 3 giờ trước và tắt khoảng 1 giờ trước khi thả tôm giống.


2. Các lưu ý khi thả tôm giống

- Chọn thời điểm thả tôm vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát hay tối.
- Khi phải thả tôm vào lúc trời nắng, phải bảo đảm các bọc tôm không bị phơi nắng sẽ làm tôm yếu hoặc chết bên trong bọc.
- Thả tôm phía trên gió và chổ nước cạn.
- Hạn chế làm đục nước ao nơi thả tôm giống.
- Phải bảo đảm cân bằng 3 yếu tố quan trọng là nhiệt độ, độ mặn và pH khi thả tôm.
- Chuẩn bị phương án thả tôm phù hợp với điều kiện ao nuôi và dụng cụ sẳn có.


3. Các bước tiến hành thả giống

Bước 1: Nhận tôm và kiểm tra tình trạng sức khỏe chung của tôm, xem tôm trong bọc và đổ ra thau để xem tôm có khỏe không.

Lưu ý: khi tôm vận chuyển xa, nhiệt độ nước trong bọc được hạ xuống để tôm “ngủ” (nên nhìn thấy tôm “đóng cục”) nên khi đến nơi, nếu nhiệt độ còn thấp thì khi đổ ra thau khoảng vài phút sau tôm mới “bung” ra.


Bước 2: Cân bằng nhiệt độ: thả các bọc tôm giống xuống ao nuôi trong khoảng 15 – 30 phút để nhiệt độ nước bên trong và bên ngoài bọc cân bằng nhau trước khi tiến hành thả tôm ra ao.

Lưu ý:
+ Khi nhiệt độ bên trong và bên ngoài bằng nhau thì nên tiến hành thả tôm ngay, để lâu hơn chẳng những không có lợi gì mà còn gây bất lợi vì tôm dễ ăn nhau và thiếu Oxy cục bộ trong bọc làm tôm yếu hoặc chết.
+ Nếu phải thả tôm lúc trời nắng thì phải che mát khu vực thả bọc tôm để bảo đảm tôm trong bọc không bị phơi nắng sẽ làm tôm yếu hay chết. Nếu không thể che mát được khu vực thả bọc thì nên để bọc tôm trên bờ, dưới bóng râm và dùng nước ao tạt lên bọc liên tục để cân bằng nhiệt.


Bước 3: Kiểm tra độ mặn và pH nước ao và nước trong bọc: trong thời gian cân bằng nhiệt, ta có thể tiến hành kiểm tra độ mặn và pH để quyết định việc thả tôm nhanh hay chậm. Nếu 2 yếu tố này chênh lệch lớn (lớn hơn 3 phần ngàn hay 0,5 độ pH) thì lúc thả tôm phải “hòa nước” kỹ và thả từ từ để hạn chế tôm bị sốc.

Lưu ý: trong quá trình vận chuyển xa, việc tích tụ CO2 trong bọc tôm sẽ làm giảm pH nước trong bọc (khoảng 6,5-7,5). Đây là hiện tượng tự nhiên và không tránh được nên ta cần “hòa nước” khi thả tôm càng kỹ càng tốt. Nếu có điều kiện thì nên pha nước có độ pH thấp để thuần tôm trong bể trước khi thả ra ao.


Bước 4: Thả tôm: sau khi cân bằng nhiệt độ ta có thể tiến hành thả tôm ra ao nuôi theo các phương án được nên bên dưới

4. Các phương án thả tôm giống

Phương án 1: Mở bọc thả trực tiếp

Sau khi ngâm bọc xuống ao để cân bằng nhiệt xong, mở bọc ra, dùng tay tát nước ao vào trong bọc và hòa trộn nhẹ nhàng trong khoảng 1-2 phút để tôm làm quen với nước mới (gọi là “hòa nước”). Sau đó từ từ đổ nhẹ nước và tôm trong bọc ra ngoài.


Ưu điểm: cách này đơn giản, không cần dụng cụ gì và thích hợp với việc thả tôm với số lượng ít.

Nhược điểm: mất nhiều thời gian và công sức do thả từng bọc. Nếu thả số lượng tôm lớn dể làm tôm thiếu Oxy và hao hụt nhiều do thời gian thả lâu, đặc biệt trong trường hợp thả tôm lúc trời nắng

Lưu ý: gần đây nhiều bà con thả tôm bằng cách dùng dao nhọn rạch thủng bọc để thả tôm cho nhanh. Cách làm này gây sốc cho tôm, làm tôm yếu có thể làm hao đầu con và làm giảm sức lớn của tôm trong quá trình nuôi.


Phương án 2: Dùng thau hay xô để thả tôm

Sau khi cân bằng nhiệt xong, vớt các bọc tôm lên và đổ vào thau (xô) cho đến ½ thau (xô). Sau đó đưa thau xuống ao nhận chìm từ từ để nước ao ngoài ao chảy nhẹ vào thau, dùng tay khuấy nhẹ nhàng để hòa trộn nước giúp tôm quen nước. Khi nước vào đầy thau (mất khoảng vài phút) thì từ từ nâng thau lên và đổ nhẹ nước và tôm ra ngoài. Thả cách này thì phải chuẩn bị trước thau, xô được vệ sinh sạch sẽ.

Ưu điểm: cách này thực hiện tương tự phương án 1 nhưng thả được số lượng tôm lớn trong thời gian ngắn vì thả được nhiều bọc tôm cùng lúc.

Lưu ý: Một số trường hợp dùng thau (xô) chứa hóa chất độc nhưng chưa được rửa cẩn thận nên làm chết tôm trong lúc thả. Do vậy, phải bảo đảm vệ sinh thau (xô) thật sạch và an toàn trước khi dùng để thả giống.


Phương án 3: Dùng bể để thuần và thả giống

Đây là phương án tốt nhất để thả giống. Sau khi cân bằng nhiệt, tôm được xổ hết vào bể (có sục khí mạnh), sau đó bơm hoặc múc nước ao đổ từ từ vào bể để tôm quen nước trong thời gian từ khoảng 1-3 tiếng rồi thả xuống ao nuôi (nếu có điều kiện thì nên có một lượng nước được hạ pH để thêm vào lúc đầu giúp hạn chế sốc pH như đã nói ở phần trên). Trong thời gian này ta phải cho tôm ăn để tránh tôm ăn nhau và tăng cường sức khỏe cho tôm.

Ưu điểm: tiến trình thuần nước lâu hơn giúp giảm sốc tối đa cho tôm, giúp tôm nuôi đạt đầu con và mau lớn hơn.

Nhược điểm: cần có bể lớn, trang bị hệ thống sục khí (và có thể cần máy bơm nước để bơm nước từ ao lên bể) và cần chuẩn bị thức ăn cho tôm trong bể.

Lưu ý: thời gian thuần tôm chỉ cần vừa đủ để tôm thích nghi tốt với môi trường (khoảng 1-3 giờ). Giữ tôm lâu hơn có thể gặp bất lợi như hao hụt do tôm ăn nhau vì mật độ quá cao, do thiếu Oxy nếu hệ thống sục khí không đảm bảo hay làm tôm yếu do nước trong bể bị dơ bẩn do chất thải của tôm, v.v...

Tác giả bài viết: Ths. Trần Công Bình

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: