Long An: Hiệu quả từ nuôi tôm ứng dụng công nghệ mới

Thursday,
15/03/2018
0

Vùng hạ của tỉnh Long An phát triển nuôi tôm từ lâu nhưng trước đây, hiệu quả không cao do nuôi theo kiểu truyền thống, mạnh ai nấy làm, chưa có tính liên kết. Vài năm trở lại đây, nuôi tôm ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao (CNC) mang lại kết quả, lợi nhuận cao hơn.

Mô hình nuôi tôm công nghệ mới mang lại hiệu quả cho nông dân

Thu nhập cao hơn

Tại huyện Cần Giuộc, nuôi tôm theo mô hình CNC bước đầu được người dân áp dụng. Ông Nguyễn Thanh Tiền (xã Phước Vĩnh Đông) chia sẻ: “Hiện, gia đình tôi có 200m2 ao ươm với mật độ 1.100con/m2, 2.500m2 ao nuôi với 84 con/m2, 1.000-2.000m2 ao lắng. Sau 80 ngày thả nuôi, tôm có trọng lượng 16,67gr/con, sản lượng 3,1 tấn. So với nuôi truyền thống, mô hình nuôi tôm nước lợ ứng dụng CNC mang lại hiệu quả cao hơn. Tôm nuôi trong mô hình được cung cấp oxy dồi dào, lớn nhanh, chống dịch bệnh tốt, giảm hiện tượng chết sớm trong 20 ngày đầu, không dùng thuốc kháng sinh, giúp vi khuẩn có lợi phát triển làm sạch đáy ao và lấn át vi khuẩn gây hại”.

Trước đây, đời sống người dân xã Tân Chánh, huyện Cần Đước còn khó khăn nhưng từ khi chuyển sang nuôi tôm, cuộc sống khá lên rất nhiều, nhất là từ khi nuôi tôm ứng dụng công nghệ mới. Hiện tại, toàn xã có 6 tổ hợp tác (THT) nuôi tôm công nghiệp thành công với mô hình ứng dụng công nghệ mới. Mặt khác, người dân cũng bắt đầu nuôi tôm ứng dụng CNC nhằm phát triển kinh tế hơn nữa.

Ông Nguyễn Văn Khải (xã Tân Chánh) phấn khởi: “Những năm trước, nuôi tôm bấp bênh lắm! Hai năm trở lại đây, gia đình bắt đầu áp dụng công nghệ mới, trang bị các dụng cụ: Máy cho ăn, quạt nước, máy thổi oxy đáy và xử lý ao nuôi, ao lắng theo kỹ thuật được hướng dẫn nên tôm ít nhiễm bệnh, năng suất cao hơn rất nhiều. Với 2ha, năm 2017 thả nuôi 2 vụ, sau khi trừ chi phí, tôi lãi khoảng 4 tỉ đồng”.

“Ngoài ra, chúng tôi còn thành lập THT Nuôi tôm Hoài Quới với 4 thành viên, tổng diện tích 4,5ha (luôn ao lắng). THT sản xuất theo quy trình được hướng dẫn. Hướng tới, THT sẽ ứng dụng CNC nên chúng tôi cần hỗ trợ về kỹ thuật, hướng dẫn chọn tôm giống chất lượng, hệ thống điện, giao thông phục vụ sản xuất,…” – ông Khải cho biết thêm.

Mô hình nuôi tôm công nghệ mới mang lại hiệu quả cho nông dân

Cũng như ông Khải, ông Phan Văn Kiếu, ngụ xã Tân Chánh, chia sẻ: “Trước đây, tôi thả tối đa từ 50-60 con tôm giống/m2 mặt nước nhưng từ khi áp dụng quy trình sản xuất mới, có đầy đủ máy móc phục vụ nên thả từ 90-120 con tôm giống/m2 mặt nước. Từ đó, năng suất tăng lên, lợi nhuận cao hơn. Chúng tôi liên kết, thành lập THT nên giá trị con tôm tăng lên. Hiện nay, THT có 4 thành viên, với tổng diện tích 3,6ha (6.000m2 ao lắng), thả nuôi 2 vụ. Chúng tôi áp dụng quy trình mới, còn ứng dụng CNC thì thời gian tới sẽ áp dụng vì phải nghiên cứu thật kỹ do ảnh hưởng thủy triều. Riêng gia đình có 1ha (thực nuôi 6.000m2), sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 1,3 tỉ đồng (năm 2017)”.

Quyền Chủ tịch UBND huyện Cần Đước – Huỳnh Văn Quang Hùng thông tin: “Thời gian gần đây, nhờ chuyển sang quy trình sản xuất mới, áp dụng công nghệ nên nuôi tôm đạt kết quả cao, lợi nhuận tăng lên, người dân có thu nhập ổn định. Hiện nay, huyện đang hướng người dân ứng dụng CNC vào nuôi tôm. Huyện sẽ tích cực phối hợp các sở, ngành liên quan hỗ trợ, tháo gỡ những vấn đề khó khăn để người nuôi tôm an tâm”.

Tăng cường hỗ trợ

Đến nay, tổng diện tích thả nuôi tôm nước lợ toàn tỉnh hơn 2.400ha, đạt 36,4% kế hoạch (6.600ha). Trong đó, diện tích thu hoạch 797ha, năng suất bình quân ước 2,2 tấn/ha, sản lượng 1.736 tấn. Từ đầu năm đến nay, diện tích tôm bị thiệt hại 57ha do bệnh đốm trắng, đường ruột và hoại tử gan tụy cấp tính (tôm sú 9,5ha, tôm chân trắng 47,5ha), chiếm 2,4% tổng diện tích thả nuôi.Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh – Phạm Phú Hùng cho biết: “So với các năm trước, những năm gần đây, nhờ áp dụng khoa học – kỹ thuật, nuôi tôm theo hướng ứng dụng CNC nên tôm thả nuôi ít xảy ra dịch bệnh, nhiều nông dân có lãi cao. Thời gian tới, để nuôi tôm đạt hiệu quả cao, cần có các chính sách hỗ trợ người nuôi tôm ứng dụng CNC, đầu tư kết cấu hạ tầng cho các vùng nuôi tôm công nghiệp và hướng dẫn tạm thời nuôi tôm siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ”.

Phó Chủ UBND tỉnh – Phạm Văn Cảnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường phối hợp các địa phương, ngành liên quan nắm bắt các khó khăn, kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ các hộ nuôi tôm. các ngành chuyên môn huyện cần phối hợp các sở, ngành tỉnh tăng cường kiểm tra chất lượng con giống. Xây dựng các điểm trình diễn ứng dụng khoa học – kỹ thuật trong nuôi thủy sản, từ đó xây dựng mô hình và áp dụng rộng rãi. Đồng thời, huyện tiến hành nạo vét kênh, mương nội đồng phục vụ nuôi thủy sản ở các xã vùng hạ, sửa chữa, nâng cấp một số tuyến đê, xây dựng cống để phục vụ sản xuất./.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Cảnh (thứ 3, trái qua) khảo sát nuôi tôm tại xã Tân Chánh, huyện Cần Đước


Nguồn: Báo Long An

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: