Vôi là một trong những chất dùng để xử lý môi trường khá rẻ, có nhiều tác dụng và mang lại hiệu quả cao.
Vai trò
Khi bón vôi trong trường hợp nước nhiễm phèn và có nhiều axit hữu cơ nhằm giúp trung hòa các axít và làm tăng pH của nước ao.
Trong trường hợp hàm lượng khí CO2 trong ao cao (>10 mg/lít), áp dụng biện pháp bón vôi có thể làm giảm hàm lượng CO2, tăng hệ đệm và tăng nguồn carbon cho quá trình quang hợp.
Ngoài ra, bón vôi cho ao nuôi tôm có thể làm giảm độ đục do phù sa (hạt keo đất), các ion Ca2+ và Mg2+ sẽ bị hấp thụ trên bề mặt hạt keo đất làm cho kích thước và khối lượng hạt keo sẽ nặng hơn và lắng nhanh hơn. Ion Ca2+ và Mg2+ cũng có vai trò kết hợp với PO43- tạo thành Ca3(PO4)2 và Mg3(PO4)2 gây kết tủa lân xuống đáy ao, làm giảm sự phát triển của tảo trong ao.
Các loại
Có nhiều dạng vôi được sử dụng cơ bản là làm tăng khả năng đệm của nước ao nuôi và tăng pH. Trộn 10% vôi trong nước cất và đo pH của dung dịch sẽ xác định được vôi sử dụng là loại vôi gì.
Vôi nông nghiệp/đá vôi hoặc vỏ sò xay (CaCO3). Các dạng vôi này thường là đá vôi hay vỏ sò nghiền. Loại vôi này được sử dụng để làm tăng khả năng đệm của nước và có thể được sử dụng với số lượng lớn vì nó không gây ảnh hưởng nhiều đến pH của nước.
Đá vôi đen (CaMg(CO3)2): Đây là loại đá vôi nghiền khác có chứa ma-giê (Mg). Loại vôi này được sử dụng chủ yếu để tăng khả năng đệm của nước và cung cấp ma-nhê. Giống như vôi nông nghiệp, loại vôi này cũng ít ảnh hưởng đến pH của ao. Đá vôi đen, vôi nông nghiệp, đá vôi, bột vỏ sò còn được gọi là vôi chứa can xi.
Vôi tôi hay vôi ngậm nước (Ca(OH)2: Loại vôi này được sản xuất bằng cách nung đá vôi ở nhiệt độ cao 800 - 9000C. Sau khi nung thì cho nước vào khi đá vôi còn nóng để làm cho vôi mịn ra. Vôi tôi được dùng để làm tăng pH nước hoặc pH đất. Vì vôi tôi có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến pH nước nên tránh bón vôi cho ao vào buổi chiều khi pH ao thường cao nhất.
Vôi sống/vôi nung hay vỏ sò nung (CaO): Loại vôi này cũng được sản xuất bằng cách nung đá vôi ở nhiệt độ cao nhưng không cho nước vào. Dạng vôi hoạt tính cao này có ảnh hưởng rất lớn đến pH của nước nên không dùng để bón cho những ao đang nuôi tôm mà chỉ nên sử dụng để điều chỉnh pH đất khi chuẩn bị ao. Dung dịch 10% vôi trong nước cất phải có pH =12.
Liều lượng
Bón vôi khi cải tạo ao: Để xác định chính xác liều lượng vôi cần bón cho từng trường hợp của đáy ao có thể áp dụng phương pháp thử với dung dịch đệm p-Nitrophenol pH=8 (hòa tan 10 g p-nitrophenol, 7,5 g H3BO3, 37 g KCl và 5,25 g KOH trong nước cất rồi pha thành 1 lít). Cho 20 g bùn khô đã được nghiền mịn vào 40 ml dung dịch đệm p-nitrophenol, khuấy đều vài lần trong một giờ, sau đó đo pH của dung dịch (pHdd) và xác định lượng vôi cần bón theo công thức sau:
Lượng vôi cần bón (kg CaCO3/ha) = (8,0 - pHdd) x 6.000
Dùng vôi để hạ phèn: Khi ao bị nhiễm phèn do rửa trôi hay xì phèn từ đáy ao sau mưa thì dùng vôi bột với liều lượng như sau: dùng khoảng 1 - 2 kg/100 m2 hòa với nước rồi tạt xuống ao không cần lắng trong.
Bón vôi để lắng chìm các chất hữu cơ dạng keo: Sau những trận mưa thì nước chứa bùn đất, phù xa dồn xuống ao, hồ làm cho nước ao trở nên đục. Sự chiếu sáng vào nước dưới ao hạn chế kéo theo sự quang hợp của thực vật dưới ao kém, môi trường dưới ao trở nên yếm khí. Để làm nước trở nên trong lại cần dùng khoảng 1 - 2 kg/100 m2 vôi bột CaCO3 hòa với nước và hòa vào toàn bộ diện tích ao.
Bón vôi định kỳ: Thông thường định kỳ khoảng 10 - 15 ngày nên bón vôi nông nghiệp vào ao 1 lần với liều lượng 2 - 4 kg/100 m2 để ngăn ngừa dịch, phòng bệnh cho tôm.
Một số lưu ý
Mức độ tác dụng của vôi tuỳ thuộc vào độ nồng của vôi nên vôi sử dụng phải sạch, không lẫn tạp chất, đối với vôi cục, vôi bột cần được bảo quản đậy kín tránh không khí hút ẩm làm mất tác dụng của vôi, đối với vôi tôi cần được sử dụng trong vòng 3 tháng trở lại để có hiệu quả cao hơn.
Khi bón vôi cần phải đo độ pH trong ao để tính lượng vôi cần bón với lượng vừa đủ nếu lượng vôi bón quá nhiều sẽ làm tăng nhiệt độ, pH, NH3, độc tính lớn dẫn đến tôm dễ mắc bệnh.
Chú ý mang khẩu trang và bộ đồ lao động phải khô ráo.
Nguồn: Con tôm